Triệu chứng ăn xong đau bụng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này khá phổ biến và có thể chỉ đơn giản là do ăn quá nhiều, mà thường tự khắc giảm sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề đường ruột. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng này, hãy tham khảo những thông tin dưới đây.
Nguyên nhân gây ra tình trạng ăn xong đau bụng
Theo chia sẻ từ Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM, sau khi hoàn thành bữa ăn, cảm giác đau bụng nhẹ có thể là dấu hiệu bạn đã ăn quá no, khiến cho hệ tiêu hóa phải làm việc nặng nề hơn. Hiện tượng này thường sẽ giảm đi sau khi thức ăn được tiêu hóa một phần.
Tuy nhiên, nếu bạn trải qua đau bụng, đặc biệt là đau ở phần bụng dưới với cảm giác âm ỉ hoặc co thắt mạnh mẽ, đồng thời có các triệu chứng khác như mệt mỏi, buồn nôn, ợ hơi, ợ nóng, khó nuốt, đầy bụng, tiêu chảy và sốt nhẹ,… có thể bạn đang gặp phải một bệnh lý hoặc tình trạng cấp tính ở hệ tiêu hóa. Dưới đây là các nguyên nhân cụ thể:
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
GERD xảy ra khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ợ chua, ợ nóng, đau bụng sau khi ăn và đau khi nuốt do axit dạ dày tổn thương niêm mạc thực quản.
Viêm loét dạ dày
Đau bụng sau khi ăn cũng có thể là dấu hiệu của viêm loét dạ dày. Đau thường xuất hiện ở vùng giữa rốn và xương ức, thậm chí có thể xảy ra khi dạ dày đang trống, không cần phải đầy.
Viêm loét dạ dày thường do vi khuẩn HP trong ruột, cũng có thể do thói quen ăn uống không tốt, thói quen sinh hoạt không khoa học, căng thẳng, stress hoặc tác dụng phụ của thuốc không steroid chống viêm như aspirin, ibuprofen, naproxen trong thời gian dài.
Viêm tụy
Người bị viêm tụy thường trải qua đau bụng sau khi ăn. Cơn đau lan từ bụng trên sang phía sau lưng, thường đi kèm với cảm giác buồn nôn và có thể dẫn đến nôn mửa. Nguyên nhân của viêm tụy có thể bao gồm sỏi mật, yếu tố di truyền, hút thuốc, uống rượu,…
Sỏi mật
Sỏi mật có thể gây đau bụng, thường là ở vùng giữa hoặc hạ sườn phải, và có thể lan ra vai phải hoặc phía sau lưng. Người mắc sỏi mật thường trải qua đau sau khi ăn, cảm giác buồn nôn và nôn mửa, thường xảy ra sau bữa ăn nhiều chất béo.
Cơn đau do sỏi mật có thể xuất hiện khi đói, đôi khi đi kèm với cảm giác sốt.
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Theo chia sẻ từ Giảng viên Cao đẳng Dược, đau bụng sau khi ăn thường xuyên có thể là dấu hiệu của IBS. Các triệu chứng có thể khác nhau tùy người, bao gồm đầy hơi, co thắt ruột, táo bón, hoặc tiêu chảy. Đau bụng thường xuất hiện xung quanh rốn, đặc biệt sau khi ăn.
Dị ứng hoặc không dung nạp thức phẩm
Một số thực phẩm như sữa, sản phẩm từ sữa, hải sản, đậu phộng có thể gây dị ứng. Bên cạnh đó, không dung nạp thực phẩm cũng có thể gây đau bụng sau khi ăn/uống. Khả năng hấp thu lactose và gluten kém có thể khiến bạn trải qua đau bụng và tiêu chảy sau khi ăn các loại thực phẩm này.
Ngộ độc thực phẩm
Đau bụng sau khi ăn, nôn mửa, phát ban, sốt, và tiêu chảy là dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm. Triệu chứng này có thể xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc sau vài giờ.
Có thể khắc phục tình trạng ăn xong đau bụng không?
Nếu đau bụng không giảm sau vài giờ và xuất hiện cùng các biểu hiện như da vàng, nôn mửa, sốt, hoặc ớn lạnh, bạn cần đi khám ngay để xác định nguyên nhân.
Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm, X-quang và siêu âm bụng, nội soi dạ dày – đại tràng, CT scan,… để xác định nguyên nhân của các triệu chứng trên. Dựa vào kết quả, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hoặc đề xuất phương pháp điều trị thích hợp.
Trước khi đi khám, có thể thử những biện pháp sau để giảm nhẹ tình trạng này:
- Chườm ấm.
- Uống trà quế hoặc gừng.
- Uống nước trước bữa ăn.
- Bổ sung lợi khuẩn từ sữa chua.
- Nghỉ ngơi khi cơn đau bắt đầu, không nên vận động mạnh và tránh nằm ngay sau khi ăn để tránh trào ngược dịch vị.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa.
- Tránh các loại đồ uống như cà phê, bia rượu, chè,…
- Hạn chế thực phẩm gây khó chịu và quá tải cho dạ dày.
Đau bụng sau khi ăn có thể là kết quả của thói quen ăn uống không tốt hoặc một triệu chứng bệnh lý. Hãy theo dõi các biểu hiện không bình thường sau bữa ăn. Trong trường hợp đau bụng nghiêm trọng và không cải thiện, hãy đi khám và điều trị ngay.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913