Hiểu rõ các triệu chứng của ung thư đại tràng sẽ giúp bạn phát hiện sớm, từ đó chủ động thăm khám và điều trị kịp thời. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu các dấu hiệu của bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả.
Tìm hiểu về ung thư đại tràng
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, đại tràng, hay còn gọi là ruột già, là một phần quan trọng của hệ tiêu hóa. Cơ quan này có chức năng tiêu hóa thức ăn, hấp thụ nước, chất dinh dưỡng, muối khoáng còn lại sau quá trình tiêu hóa ở dạ dày và ruột non, đồng thời tạo phân để thải ra ngoài cơ thể.
Ung thư đại tràng xảy ra khi các tế bào bất thường tại niêm mạc đại tràng phát triển không kiểm soát, có thể lan rộng, xâm lấn và di căn đến các cơ quan khác. Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm: người có tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng hoặc polyp tuyến; người thừa cân, béo phì; lối sống ít vận động; chế độ ăn ít chất xơ, nhiều thịt chế biến sẵn hoặc chất béo; người thường xuyên sử dụng rượu bia, hút thuốc lá; bệnh nhân mắc tiểu đường, viêm loét đại tràng, polyp đại tràng, hoặc bệnh trĩ.
Trước khi tìm hiểu về triệu chứng cụ thể, hãy nắm rõ thông tin trên để hiểu thêm về nguy cơ và cơ chế của căn bệnh này.
Ung thư đại tràng có triệu chứng gì?
Ở giai đoạn đầu, ung thư đại tràng thường không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo sau:
Đau bụng và thượng vị
Người bệnh có thể cảm thấy đau ở vùng bụng, đặc biệt là thượng vị và hạ vị. Ban đầu, các cơn đau nhẹ, xuất hiện bất chợt và biến mất nhanh chóng. Khi bệnh tiến triển, đau tăng lên về mức độ và tần suất.
Rối loạn tiêu hóa
Các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, táo bón kéo dài, chán ăn, hoặc ăn không ngon có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng.
Thay đổi thói quen đi đại tiện
Người bệnh có xu hướng đi đại tiện nhiều lần hơn, thường xuyên có cảm giác muốn đi ngoài dù vừa mới đi xong. Tần suất này tăng dần theo sự phát triển của khối u.
Đại tiện ra máu
Phân có thể lẫn máu và chất nhầy, cho thấy tình trạng xuất huyết tại đại tràng. Đây là một triệu chứng đặc trưng cần lưu ý.
Thay đổi tính chất phân
Theo Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, phân có thể thay đổi hình dáng và kết cấu, chẳng hạn như phân khô, nát, dẹt hoặc thành cục nhỏ, đặc lỏng không đều.
Mệt mỏi, suy nhược, sụt cân
Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, cơ thể suy nhược nhanh chóng dù vẫn ăn uống bình thường. Sụt cân bất thường là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Những dấu hiệu trên có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác, nhưng nếu kéo dài hoặc có biểu hiện nghiêm trọng, bạn cần đi thăm khám bác sĩ để kiểm tra và tầm soát ung thư đại tràng. Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm sẽ tăng cơ hội điều trị thành công.
Phương pháp phòng ngừa ung thư đại tràng
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh ung thư đại tràng? Dưới đây là một số gợi ý:
Thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư đại tràng
Việc thăm khám sức khỏe định kỳ giúp bạn theo dõi tình trạng sức khỏe, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. Nội soi đại tràng là phương pháp hiệu quả để tầm soát ung thư, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó điều trị kịp thời, tăng cơ hội sống và giảm chi phí điều trị. Ngoài ra, nội soi còn giúp phát hiện và cắt bỏ các khối polyp, ngăn ngừa nguy cơ ung thư.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư đại tràng. Hãy bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây, hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ và thực phẩm chế biến sẵn. Uống đủ nước hàng ngày, hạn chế rượu bia và bỏ thuốc lá cũng là những thói quen lành mạnh nên duy trì.
Tăng cường vận động thể chất
Thói quen tập luyện thể dục thể thao đều đặn giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Hãy duy trì vận động vừa sức, kiểm soát cân nặng hợp lý và tránh thừa cân, béo phì – những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh.
Nhận biết triệu chứng sớm và thực hiện chẩn đoán
Việc nhận biết sớm các triệu chứng bất thường trong cơ thể và thăm khám kịp thời là rất cần thiết. Các phương pháp chẩn đoán phổ biến bao gồm thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu, tìm máu trong phân, nội soi đại tràng, chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Kết quả chẩn đoán sẽ giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, thường gồm phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.
Chủ động thực hiện các biện pháp trên sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913