Đau thắt ngực không phải là một căn bệnh mà là một triệu chứng của một số bệnh, như bệnh động mạch vành. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào hiểu biết về triệu chứng đau thắt ngực, đặc biệt là các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Tìm hiểu về đau thắt ngực
Theo Thầy Nguyễn Quốc Trung – Giảng viên tại Cao đẳng Dược TPHCM chia sẻ, đau thắt ngực là một cảm giác khó chịu, thường được miêu tả như bị bóp chặt hoặc áp đặt như có vật nặng đè lên ngực. Nguyên nhân chính là sự giảm đột ngột của lưu lượng máu đến tim do động mạch vành bị thu hẹp, tắc nghẽn hoặc co thắt. Triệu chứng của đau thắt ngực có thể giống với các triệu chứng khác như trào ngược dạ dày, khó tiêu, bao gồm:
- Khó thở, mệt mỏi, yếu đuối.
- Chóng mặt, cảm giác choáng váng.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Cơn đau có thể lan ra từ ngực đến xương ức, vai, cổ, hoặc lưng.
Đặc biệt, nếu đau thắt ngực do vấn đề về mạch động mạch vành, thì cảm giác đau thường xuất hiện sau khi bạn tăng cường hoạt động hoặc trải qua cảm xúc mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc hỗ trợ, cảm giác đau thường sẽ giảm dần và biến mất.
Đau thắt ngực có những loại nào?
Các loại cơn đau thắt ngực có thể khác nhau tùy theo từng người và được phân loại như sau:
- Đau thắt ngực ổn định: Còn được gọi là hội chứng mạch vành mạn, đây là dạng phổ biến của đau thắt ngực thường xảy ra khi bạn vận động mạnh hoặc làm việc gắng sức. Cơn đau thường chỉ kéo dài trong khoảng 5 phút, và thường thuyên giảm sau khi bạn nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc.
- Đau thắt ngực không ổn định: Đây là dạng đau thắt ngực có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, kể cả khi bạn đang nghỉ ngơi hoặc không vận động. Cơn đau thường kéo dài đến 30 phút và nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây ra biến chứng nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
- Đau thắt ngực Prinzmetal: Xảy ra khi động mạch vành co thắt theo chu kỳ, làm giảm lượng máu lưu thông đến tim. Thường xuất hiện khi bạn đang nghỉ ngơi hoặc khi đang ngủ, cơn đau thường đi kèm với khó ngủ, hít thở gấp và cảm giác mệt mỏi.
Yếu tố nguy cơ nào gây ra đau thắt ngực?
Thầy Nguyễn Văn Đạt – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, mọi người đều có nguy cơ bị đau thắt ngực, tuy nhiên mức độ và tần suất có thể khác nhau. Đặc biệt, nếu bạn thuộc các trường hợp sau đây, nguy cơ và mức độ có thể cao hơn:
- Tiền sử tăng huyết áp.
- Mức cholesterol máu cao.
- Mắc bệnh tiểu đường.
- Gia đình có tiền sử bệnh tim.
- Nam giới trên 45 tuổi hoặc nữ giới trên 55 tuổi.
- Hút thuốc lá.
- Ít hoặc không vận động.
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Có rối loạn lo âu hoặc căng thẳng.
Các phương pháp phòng ngừa đau thắt ngực
Có nhiều biện pháp giúp ngăn ngừa đau thắt ngực, bao gồm:
- Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tránh xa thuốc lá, rượu bia, và chất kích thích. Tăng cường vận động thể chất và loại bỏ căng thẳng, mệt mỏi.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học với thực đơn giàu ngũ cốc, rau xanh và trái cây. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, và thực phẩm chế biến nhiều dầu mỡ, gia vị.
- Đảm bảo thời gian nghỉ ngơi hợp lý và tránh làm việc quá sức, đặc biệt là những công việc nặng nhọc như khuân vác.
- Nếu có thừa cân hoặc béo phì, cố gắng giảm cân và duy trì chỉ số BMI cơ thể ở mức lý tưởng.
- Sử dụng thuốc trị đau thắt ngực được kê đơn bởi bác sĩ, nhưng cần chú ý không lạm dụng thuốc để tránh tác dụng phụ.
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện kịp thời bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe tổng quát.
Khi nào cần đi cấp cứu khi bị đau thắt ngực?
Nếu cơn đau thắt ngực không giảm sau khi nghỉ ngơi và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn cần ngay lập tức đến bệnh viện. Ngoài ra, bạn cũng cần nhập viện cấp cứu trong những tình huống sau:
- Cơn đau mới xuất hiện nhưng rất nghiêm trọng, gây choáng váng và kiệt sức nhanh chóng.
- Đau thắt ngực đi kèm với khó thở, thở nhanh và khó chịu.
- Cơn đau kéo dài gây mất sức và làm tăng lo lắng, bồn chồn, hoặc sợ hãi.
- Đau thắt ngực nặng hơn khi bạn vận động mạnh hoặc thực hiện các hoạt động như leo cầu thang.
- Cơn đau thắt ngực tái phát với tần suất cao, gây khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913