Mạch môn là một vị thuốc y học cổ truyền với nhiều công dụng khác nhau. Theo đông y, mạch môn có tính mát, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, giảm đau, giảm sưng, và còn có tác dụng tốt cho tim mạch.
- Cây nở ngày đất – Loài cây dân dã làm thuốc chữa bệnh
- Cây mỏ quạ – Dược liệu quý của y học cổ truyền
- Cây Mã đề – Thần dược chữa các bệnh lý quan trọng của nước ta
Mạch môn – Vị thuốc y học cổ truyền nhiều công dụng
Mạch môn còn được gọi là cây cỏ lan, lan tiên, có nguồn gốc từ đất nước mặt trời mọc và ngày càng phổ biến tại các nước Châu Á. Ngoài việc được biết đến như một loại cây cảnh mạch môn còn được sử dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền để điều trị nhiều chứng bệnh.
Vậy mạch môn là loài cây có đặc điểm như thế nào, hiệu quả điều trị bệnh ra sao, hãy cùng Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Một số thông tin chung về Mạch môn
– Tên gọi khác: lan tiên, cỏ lan, tóc tiên, mạch đông, mạch môn đông, …
– Tên khoa học: Ophiopogon japonicus; Convallaria japonica Linnaeus f.
– Họ: Tóc tiên (Ruscaceae).
Mô tả
Mạch môn là một loại cây thân thảo, sống lâu năm, thân cây màu xanh, chiều cao 10 – 40cm. Lá thẳng, dài khoảng 20 – 40cm, rộng từ 1 – 4mm, có màu xanh lục, bề mặt lá dài và hẹp, cuống có bẹ, mép lá có răng cưa, lá mọc từ gốc, vươn lên.
Cây có rễ chùm.
Hoa mọc thành từng cành trên thân cây, màu sắc biến đổi từ trắng đến tím nhạt.
Mạch môn cho quả mọng, màu xanh lam. Quả có đường kính 5 – 6mm. Mỗi quả chứa 1 – 2 hạt.
Rễ mạch môn phát triển thành củ. Củ dẹt ở hai đầu, phần thân mập tròn, phần vỏ có màu trắng vàng.
Cây mạch môn
Phân bố: Mạch môn có nguồn gốc từ Nhật Bản. Tại Việt Nam, mạch môn mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở những khu vực phía Bắc như Nghệ An, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang,…
Bộ phận dùng: Thân rễ (củ)
Thu hái và sơ chế: Thu hái củ mạch môn vào khoảng tháng 9 – 12 trong năm. Chọn thu hoạch những cây 2 năm tuổi trở lên.
Sơ chế: Rửa sạch đất cát, cắt bỏ toàn bộ rễ con. Cắt nhỏ những củ lớn, sau đó đem phơi hoặc sấy khô dùng dần, hoặc có thể dùng tươi.
Cách bảo quản: Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát và sạch sẽ. Tránh ẩm mốc.
Thành phần hóa học: Trong củ mạch môn gồm những thành phần sau: Glucose; Fructose, Saccharose; Vitamin; Glucofructan; B – sitosterol; D – Glucosid,…
Mạch môn – Vị thuốc y học cổ truyền nhiều công dụng
Theo Y học cổ truyền
1. Tính Vị
+ Vị ngọt, tính bình (Theo “Bản Kinh”).
+ Vị ngọt, hơi đắng, tính hàn (Theo “Trung Dược Đại Từ Điển”).
+ Vị ngọt, hơi đắng, tính hàn (Theo “Đông Dược Học Thiết Yếu”).
2. Quy Kinh
+ Vào kinh Phế (Theo “Thang Dịch Bản Thảo”).
+ Vào kinh Tâm, Phế, Vị (Theo “Trung Dược Đại Từ Điển”).
Một số công dụng của mạch môn
3. Công dụng của mạch môn
+ Cường âm, ích tinh, chỉ ẩu thổ, tiêu cốc, định phế khí, điều trung, bảo thần, an ngũ tạng, làm cho cơ thể mập mạp, khỏe mạnh (Theo “Danh Y Biệt Lục”).
+ An thần, chỉ thấu (Theo “Nhật Hoa Tử Bản Thảo”).
+ Thanh tâm, nhuận phế (Theo “Bản Thảo Hối Ngôn”).
+ Bổ vị âm, tư tân dịch, giải khát (Theo “Bản Thảo Chính Nghĩa”).
+ Dưỡng âm, nhuận Phế, thanh tâm, trừ phiền, ích vị, sinh tân (Theo “Trung Dược Đại Từ Điển”).
+ Nhuận phế, dưỡng âm, ích vị sinh tân, thanh tâm, trừ phiền, nhuận trường (Theo “Trung Dược Học”).
+ Thanh tâm, Nhuận Phế, dưỡng vị, sinh tân (Theo “Đông Dược Học Thiết Yếu”).
4. Cách dùng và liều lượng dùng vị thuốc mạch môn
Liều khuyên dùng: 6 – 20gr mỗi ngày, bằng cách sắc uống hoặc kết hợp với một số loại dược liệu tạo thành thang thuốc.
5. Một số bài thuốc sử dụng mạch môn
Trị các chứng ho, ho lâu ngày, khó thở
- Mạch môn 16gr, bán hạ 8gr, đại táo, đảng sâm, gạo nếp sao vàng, cam thảo, mỗi vị 4gr
- Sắc tất cả các vị dược liệu trên với 600ml nước. Sắc còn 200ml nước chia 2 lần uống/ngày.
Trị chảy máu chân răng: Mạch môn sắc với nước uống trị răng chảy máu.
Trị suy tim, huyết áp hạ, mạch nhanh, ra mồ hôi nhiều
- Mạch môn 16gr, nhân sâm 8gr, ngũ vị tử 6gr.
- Tất cả các vị thuốc trên sắc uống thuốc giúp điều trị các chứng hạ huyết áp, mạch nhanh, ra mồ hôi nhiều,…
Trị táo bón
- Mạch môn 20 gr, sinh địa 20gr, huyền sâm 12gr
- Tất cả các vị dược liệu trên đem sắc với nước, chia 2 lần uống/ngày.
Trị đau họng, ho khan, ho có đờm
- Mạch môn 5gr, tang diệp 12gr, mè đen 4gr, tỳ bà diệp 4gr, hạnh nhân 3gr, a giao 3gr , 4g cam thảo 4 gr.
- Tất cả các vị dược liệu trên đem sắc với nước, chia 2 lần uống/ngày.
Củ mạch môn
Những điều cần lưu ý khi sử dụng mạch môn
– Trước khi sử dụng mạch môn để chữa bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
– Người bị tỳ vị hư hàn, tiêu chảy không được dùng mạch môn.
– Người bị nhiệt phế và vị không nên dùng mạch môn.
– Những bài thuốc từ mạch môn nói riêng hoặc các bài thuốc Y học cổ truyền nói chung thường có tác dụng chậm, vì vậy cần kiên trì sử dụng.
– Khi sử dụng nếu thấy xuất hiện những triệu chứng lạ, người sử dụng cần ngưng sử dụng thuốc và khai báo ngay với bác sĩ.
Theo Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM, mạch môn là vị thuốc có nhiều tác dụng tốt đối với lại sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi áp dụng điều trị bằng các bài thuốc từ mạch môn, cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên môn để thuốc phát huy hết công dụng và hạn chế tối đa những tác dụng không mong muốn.
Nguồn: caodangyduoctphcm.com.vn
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913