Tin Tức

Simvastatin: Thuốc điều trị tăng cholesterol trong máu và những lưu ý khi sử dụng

Thuốc Simvastatin được chỉ định trong điều trị bệnh tăng cholesterol, để đảm bảo dùng thuốc được an toàn, hợp lý và đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần biết thông tin về thuốc Simvastatin cách dùng và những lưu ý khi sử dụng.

Tổng hợp các thông tin về thuốc Simvastatin

Simvastatin là thuốc gì?

DSCK1. Nguyễn Hồng Diễm giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, thuốc Simvastatin là chế phẩm có tác dụng làm giảm lượng cholesterol xấu và chất béo trong máu như LDL, triglyceride và đồng thời làm tăng HDL-C. Việc giảm cholesterol xấu và triglyceride sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong do tăng cholesterol trên những bệnh nhân có bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, biến cố bệnh mạch vành có kèm bệnh đái tháo đường, bệnh mạch ngoại vi, tiền sử đột quỵ hoặc bệnh mạch máu não khác và giảm nhu cầu về các thủ thuật tái tạo mạch vành.

Simvastatin làm giảm nồng độ cholesterol toàn bộ, LDL-C và VLDL-C trong huyết tương bằng cách ức chế HMG-CoA reductase làm giảm tổng hợp cholesterol trong gan và làm giảm nồng độ cholesterol trong tế bào. Điều này giúp cho màng tế bào gan tăng thanh thải LDL-cholesterol ra khỏi huyết tương. Đồng thời Simvastatin cũng có tác dụng làm giảm nồng độ triglyceride và làm tăng HDL-C trong huyết tương.

Ngoài ra, Simvastatin được có tác dụng như một chất bổ trợ cho chế độ ăn kiêng để giảm mức cholesterol toàn phần, LDL-C và ApoB trên bệnh nhân tăng cholesterol máu gia đình dị hợp tử.

Các dạng thuốc và hàm lượng của Simvastatin?

Simvastatin được sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng như Viên nén bao phim 5mg, 10mg, 20mg, 40mg. Một số biệt dược như: Simavas, Cadisimvas, Simvastatin, Meyervastin, Simvastatin Glomed, Simterol, Simtanin, SimHasan, Simtanin, Amsibed, Simrotes, Simvastatin Stada, Simvastatin Stella, Simvaget, PMS-Simvastatine, Simvapol, SimvaHexal, Vastinxepa, Simvaseo Tablet, Liponil, Lipisel , Simbidan, Simtive, Kardak, Agisimva, Simvasboston, Simtor VPC, Simvafar, Euvi Simvastatin, Simvastatin, Eslatinb, Simvatin, Zithin, Opesimeta, Simvastatin Savi, Supevastin, Simvastatin, Vacosivas, Lipisim.

Thuốc Simvastatin dùng cho những trường hợp nào?

  • Điều trị tăng cholesterol huyết nguyên phát hoặc rối loạn lipid máu type IIa & IIb. Thuốc dùng hỗ trợ cho chế độ ăn khi sự đáp ứng của cơ thể với chế độ ăn kiêng và các biện pháp điều trị không dùng thuốc như tập thể dục, giảm cân vẫn chưa đủ.
  • Điều trị tăng cholesterol máu đồng hợp tử có tính gia đình như một sự hỗ trợ cho chế độ ăn và các biện pháp làm giảm lipid như gạn tách cholesterol-LDL hoặc khi các biện pháp này không thích hợp.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành và phòng ngừa nhồi máu cơ tim khi có tăng cholesterol máu. Dùng đồng thời với chế độ ăn kiêng. Giảm nguy cơ tai biến mạch vành cấp nặng như giảm tái diễn nhồi máu cơ tim, giảm đau thắt ngực không ổn định, giảm nguy cơ phải làm thủ thuật tái tạo mạch vành, giảm tử vong do mạch vành hoặc đột quỵ.
  • Dự phòng nguy cơ tai biến tim mạch ở người bệnh đái tháo đường: Simvastatin được sử dụng kết hợp liệu pháp ăn uống nhằm làm giảm lượng cholesterol toàn phần và LDL-cholesterol cao trong huyết tương và giảm nguy cơ tai biến mạch vành lần đầu hoặc tái diễn ở người bệnh đái tháo đường có tăng cholesterol máu.
  • Hỗ trợ điều trị xơ vữa mạch vành: Simvastatin được dùng cùng với chế độ ăn ở người bệnh mạch vành có tăng cholesterol, giúp làm giảm tiến triển xơ vữa mạch vành.
  • Điều trị tăng triglycerid huyết.

Simvastatin tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol trong máu

Cách dùng – Liều lượng Simvastatin?

Các Dược sĩ giảng viên Liên thông Cao đẳng Dược TPHCM – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tư vấn cách dùng Simvastatin, cần uống vào buổi tối, kết hợp với chế độ ăn kiêng. Liều dùng tùy thuộc vào thể trạng và mức độ tiến triễn của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, an toàn, bạn nên đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc.

Liều dùng khuyến cáo cho người lớn: dùng một lần/một ngày, dùng vào cùng thời điểm mỗi ngày.

Tăng cholesterol huyết dùng liều khởi đầu 5 – 10 mg/ngày. Sau 4 tuần tuỳ theo tình trạng của bệnh có thể chỉnh liều khoảng 5 – 40 mg/ngày.

Bệnh mạch vành dùng liều khởi đầu 20 mg/ngày, tối đa 40 mg/ngày. Sau 4 tuần tuỳ theo tình trạng của bệnh có thể chỉnh liều.

Người bệnh nên dùng Simvastatin với liều theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ, kèm theo chế độ ăn kiêng. Để giảm lượng cholesterol trong máu hiệu quả, phải duy trì dùng Simvastatin mỗi ngày. Nếu người bệnh quên một liều, hãy uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Nếu gần đến giờ uống của liều tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng thời điểm. Không dùng liều gấp đôi.

Những cảnh báo lưu ý khi sử dụng thuốc Simvastatin?

Không dùng Simvastatin cho những trường hợp sau: Người có tiền sử  mẫn cảm với Simvastatin và bất cứ thành phần nào của thuốc; Phụ nữ có thai và cho con bú; Bệnh gan tiến triển hay tăng men gan dai dẳng không rõ nguyên nhân.

Không dùng Simvastatin chung với các thuốc ức chế CYP 3A4 mạnh như erythromycin, clarithromycin, telithromycin itraconazol, ketoconazol, thuốc ức chế protease HIV và viêm gan siêu vi C (HCV), boceprevir, telaprevir, nefazodon, posaconazol, gemfibrozil, cyclosporin, danazol.

Không dùng Simvastatin ≥ 20mg chung với các thuốc verapamil, diltiazem, dronedaron.

Thận trọng người bệnh nghiện rượu, tiền sử bệnh lý về gan, các đối tượng lái xe và vận hành máy móc.

Simvastatin gây ra các tác dụng phụ như: Ðầy hơi, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, đau bụng, chuột rút, ợ nóng, rối loạn vị giác, đau đầu, mắt mờ, chóng mặt, mất ngủ, suy nhược, đau cơ, yếu cơ, đau khớp, mẫn ban da, viêm mũi, viêm họng, lú lẫn, viêm cơ, tiêu cơ vân.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hay gặp những phản ứng không mong muốn khác hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để có hướng xử trí hiệu quả.

Nếu người bệnh dùng quá liều, cần đến cơ sở y tế để hỗ trợ hướng dẫn điều trị triệu chứng. Vì Simvastatin gắn mạnh với protein huyết tương, nên làm giảm thanh thải Simvastatin ra khỏi huyết tương.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Simvastatin

Simvastatin gây tương tác với các thuốc hay thực phẩm nào?

Thuốc hạ cholesterol máu nhóm fibrat khác, gemfibrozil, niacin liều cao (> 1g/ngày), colchicine: Các thuốc này làm tăng tổn thương cơ của Simvastatin khi dùng chung.

Tránh sử dụng đồng thời và hiệu chỉnh liều dùng Simvastatin khi sử dụng đồng thời với một số thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ gây tổn thương cơ, tiêu cơ vân, dẫn đến suy thận và có thể gây tử vong. Không dùng Simvastatin chung với các thuốc như: Clarithromycin, Amprenavir, Atazanavir, Boceprevir, Cobicistat, Cyclosporine, Danazol, Darunavir, Erythromycin, Fosamprenavir, Gemfibrozil, Itraconazole, Ketoconazole, Mifepristone, Nefazodone, Nelfinavir, Posaconazole, Ritonavir, Saquinavir, Telaprevir, Telithromycin, Tipranavir, Voriconazole, Acenocoumarol, Amlodipine.

Warfarin: Simvastatin làm tăng tác dụng của Warfarin.

Các nhựa gắn acid mật: Simvastatin giảm hấp thu khi uống cùng các nhựa gắn acid mật.

Không ăn nhiều bưởi trong khi sử dụng Simvastatin vì có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác không mong muốn.

Để sử dụng Simvastatin có hiệu quả, an toàn, người bệnh là phải luôn giữ một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Hạn chế uống rượu bia khi đang dùng Simvastatin. Vì uống nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Cách bảo quản Simvastatin:

Simvastatin bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30°C, khô thoáng, tránh ánh sáng. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.

Thông tin của bài viết trên chỉ giúp cho người dùng thuốc tham khảo. Người bệnh không tự ý dùng thuốc Simvastatin, nên xin ý kiến tư vấn hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc Simvastatin.

Tài liệu tham khảo:

  1. Dược thư quốc gia Việt Nam-2018
  2. Drugs.com: https://www.drugs.com/search.php?searchterm=Simvastatin

Nguồn: caodangyduoctphcm.com.vn Tổng hợp bài viết của DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh

Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295

Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *