Tính đến 6h ngày 21/4 theo ghi nhận của Worldometers, toàn cầu ghi nhận 2.476.066 ca mắc Covid-19, trong đó bao gồm 170.121 ca tử vong và 645.214 người bình phục.
- Vi phạm quy định cách ly Covid-19, 6 người Việt bị trục xuất khỏi Hàn Quốc
- Châu Âu chất vấn Trung Quốc về sự minh bạch trong đại dịch Covid-19
- Thi thể người chết do Covid-19 chất chồng trong bệnh viện Mỹ
Châu Mỹ hiện ghi nhận 934.648 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 49.324 ca tử vong và 125.200 bệnh nhân bình phục.
Tại Mỹ: Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất châu lục cũng như thế giới, với 790.009 người mắc bệnh (tăng 25.373 ca trong 24 giờ qua), trong đó có 42.355 ca tử vong (tăng 1.780 ca) và 71.832 người bình phục. Hiện Mỹ đã xét nghiệm cho hơn 4 triệu người, cũng là nước có số người được xét nghiệm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới.
Trong đó, bang New York ngày 20/4 ghi nhận số ca tử vong thấp nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay và tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại 2 bang lân cận là New Jersey và Connecticut.
Số ca tử vong tại bang New York đã giảm trong 5 ngày liên tục. Tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong ở bang này trong 24 giờ qua là 478 người, nâng tổng số ca tử vong lên 14.347.
Kể từ ngày 20/4, New York xét nghiệm kháng thể chống SARS-CoV-2 cho 3.000 người được lựa chọn ngẫu nhiên để phục vụ mục đích cân nhắc thời điểm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế của bang. Sau xét nghiệm, những người được xác định có kháng thể với SARS-CoV-2 sẽ được phép trở lại làm việc đầu tiên. Tuy vậy, New York hiện không có đủ khả năng xét nghiệm trên diện rộng cho tất cả 19 triệu cư dân.
Trước đó cùng ngày theo ghi nhận của trang Cao đẳng Dược TPHCM – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur từ baoquocte.vn, Thị trưởng Bill de Blasio cho biết, các sự kiện thu hút đông người tại thành phố New York sẽ bị hủy cho đến hết tháng 6. Cũng theo ông de Blasio, số cuộc gọi khẩn cấp nhập viện tại New York hôm 18/4 thậm chí đã giảm xuống chỉ còn 3.485, ít hơn cả số cuộc gọi trung bình mỗi ngày vào năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Tại châu Âu, tính đến 6h sáng ngày 21/4, ghi nhận 1.112.808 ca nhiễm Covid-19, với 104.431 ca tử vong và 321.521 người bình phục.
Tại Tây Ban Nha: Đây là nước có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất châu lục và đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ, với 200.210 ca, trong đó có 20.852 ca tử vong và 80.587 người bình phục. Số ca nguy kịch cũng đứng đầu châu lục với 7.371 trường hợp.
Tại Pháp: Tối 20/4, giới chức y tế Pháp thông báo, số ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 đã lên tới 20.265 người, tăng 547 trường hợp trong 24 giờ qua, bao gồm 12.513 ca tử vong ở bệnh viện và 7.752 ca tử vong tại các nhà dưỡng lão, cơ sở y tế xã hội.
Số ca mắc Covid-19 là 155.383. Hiện có 30.584 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 26), trong đó 5.863 ca trong tình trạng nghiêm trọng phải chăm sóc đặc biệt (giảm 61). Ngoài ra, 37.409 bệnh nhân đã được điều trị thành công và ra viện, tăng 831 trường hợp trong 24 giờ qua.
Cũng theo giới chức y tế Pháp, những bệnh nhân nặng có thể phải trải qua những rối loạn về chức năng, định hướng, phản ứng, trí nhớ hoặc khả năng chú ý. Ba giả thuyết được nêu ra là: virus SARS-CoV-2 tấn công não, kích thích não hoặc gây ra những thay đổi trong tuần hoàn mạch máu não.
Giới chức y tế Pháp nhận định, tốc độ lây lan của dịch bệnh đã suy giảm nhanh chóng, song cũng nhắc lại rằng, khả năng miễn dịch tập thể là yếu. Pháp hy vọng sẽ có hơn 90% kết quả xét nghiệm âm tính “vì virus đã ít lây lan” hơn trước. Yêu cầu cấp bách trước mắt là phải thực hiện các xét nghiệm virus, tiếp sau đó là các xét nghiệm huyết thanh.
Tại Italy: Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố ghi nhận thêm 2.256 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 181.228 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng lên 24.114 (tăng 454) và số ca hồi phục là 48.877 (tăng 1.822).
Cơ quan Bảo vệ dân sự cũng cho biết, Italy hiện có 24.906 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 2.573, giảm 62 trường hợp.
Cơ quan giám sát y tế quốc gia ở các vùng tại Italy cho biết, lệnh tình trạng khẩn cấp liên quan tới bệnh Covid-19 có thể sẽ kết thúc tùy thuộc vào mức độ lây nhiễm của từng vùng trong điều kiện lệnh phong tỏa tiếp tục được duy trì.
Tại Đức: Đức tuyên bố sẽ chi trả toàn bộ chi phí điều trị cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đến từ các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu (EU) như một cử chỉ thiện chí.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Đức, hiện có 229 bệnh nhân nước ngoài, trong đó có 130 người đến từ Pháp, 44 người từ Italy và 55 người từ Hà Lan đang điều trị tại Đức với tổng chi phí điều trị khoảng 20 triệu Euro (21,7 triệu USD).
Tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Jens Spahn được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, Đức bắt đầu nới lỏng một số quy định giãn cách xã hội sau nhiều tuần áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm Covid-19.
Hiện tại, Đức ghi nhận 146.777 người nhiễm Covid-19 (tăng 1.035 ca trong 24 giờ), trong đó có 4.802 ca tử vong (tăng 160 ca trong 24 giờ) và 91.500 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Theo Bộ trưởng Y tế Spahn, Đức hiện đã kiểm soát được dịch Covid-19.
Châu Á ghi nhận 395.655 ca nhiễm Covid-19 (tăng 12.498 ca trong 24 giờ qua), trong đó có 15.105 ca tử vong (tăng 319 ca trong 24 giờ) và 186.195 người bình phục.
Tại Thái Lan: ngày 20/4, viện Vaccine Quốc gia Thái Lan (NVI) tuyên bố đang phối hợp với các cơ sở liên quan của Đại học Mahidol và Đại học Chulalongkorn tiến hành thử nghiệm một ứng viên vaccine chống SARS-CoV-2 trên động vật, sau các hoạt động thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Theo Giám đốc NVI – Tiến sĩ Nakorn Premsri, nếu những cuộc thử nghiệm trên động vật cho các kết quả thuyết phục, NVI sau đó sẽ tiến hành thử nghiệm trên người trong 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 sẽ liên quan đến việc thử nghiệm 30 đến 50 đối tượng để kiểm tra tính an toàn của vaccine; Giai đoạn 2 sẽ liên quan đến việc thử nghiệm 100 đến 150 đối tượng để kiểm tra liệu loại vaccine này có kích thích tạo ra các kháng thể hay không; Giai đoạn 3 sẽ tiến hành thử nghiệm trên 500 đối tượng để xác định tính hiệu quả của vaccine.
Tại châu Phi: Ngày 20/4 ghi nhận 24.070 người nhiễm Covd-19, trong đó có 1.163 ca tử vong và 6.385 người bình phục.
Tại Ai Cập: Đây là nước có số ca bệnh cao nhất khu vực, với số người nhiễm trong ngày tăng kỷ lục là 189 trường hợp, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 3.333. Có 11 bệnh nhân tử vong mới được ghi nhận, nâng số ca thiệt mạng vì Covid-19 lên 250.
Mặc dù vậy, Cố vấn về các vấn đề y tế của Tổng thống Ai Cập Awad Tag El Din khẳng định, biểu đồ dịch bệnh Covid-19 ở nước này vẫn nằm trong phạm vi dự đoán, đồng thời có mối tương quan tích cực giữa các ca nhiễm bệnh và tử vong.
Ông Tag El Din cho rằng, cách thức điều trị Covid-19 tại Ai Cập là một trong những phương pháp hiệu quả nhất và đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan của Nhật Bản để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Tại Algeria: Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến của đại dịch Covid-19 cho biết, trong 24h qua, ghi nhận thêm 89 ca mắc bệnh và 9 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 lên 2.718 người, trong đó có 384 ca tử vong. Số bệnh nhân mắc Covid-19 được chữa khỏi đã tăng thêm 153 trường hợp, lên 1.099 người.
Ghi nhận mới nhất từ trang Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur dẫn nguồn từ báo Quốc tế, hiện dịch bệnh Covid-19 đã lây lan đến 47/48 tỉnh, thành phố của Algeria.
Ngày 20/4, hai cơ quan của Liên hợp quốc, gồm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) nhấn mạnh, trong lúc các nhà khoa học trên toàn thế giới nỗ lực phát triển vaccine chống SARS-CoV-2, các chính phủ phải tận dụng mọi cơ hội có thể để bảo vệ người dân trước nhiều dịch bệnh vốn đã có vaccine phòng ngừa.
Tuyên bố chung của WHO và UNICEF khẳng định, nhu cầu cấp bách đối với vaccine phòng SARS-CoV-2 hiện làm nổi bật vai trò then chốt của các hoạt động tiêm chủng trong công tác bảo vệ tính mạng và các nền kinh tế.
Tuyên bố lưu ý: “Bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành khỏi những dịch bệnh mà vaccine có thể phòng ngừa được thông qua hoạt động tiêm chủng là một yêu cầu bắt buộc đối với tính bền vững của các hệ thống chăm sóc y tế”.
Hai cơ quan trên cũng hối thúc các quốc gia sẵn sàng tiêm chủng cho những đối tượng có nguy cơ cao hơn và đảm bảo mọi người, trong đó có những đối tượng dễ bị bỏ lại phía sau xã hội nhất, sẽ được tiếp cận bình đẳng với vaccine SARS-CoV-2 khi loại thuốc này được sản xuất đại trà.
Nguồn: baoquocte.vn – caodangyduoctphcm.com.vn
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913