Rau mơ là một loại dây leo rất phổ biến và thông dụng ở nước ta. Ngoài công dụng làm thứ rau ăn, Rau mơ còn có công dụng thanh nhiệt, sát khuẩn, chữa tiêu chảy, kiết lỵ và nó còn nhiều tác dụng khác rất tốt.
- Tìm hiểu về công dụng đa năng của dược thảo Mật nhân
- Quả dứa – quả ngon và tốt cho sức khỏe
- Cần tây – Vị thuốc thiên nhiên tốt cho sức khoẻ
Rau Mơ – Vị thuốc quý trị bệnh đường ruột
Rau mơ là một loại dây leo rất phổ biến và thông dụng ở nước ta. Ngoài công dụng làm thứ rau ăn, thứ gia vị quen thuộc của người dân Việt, Rau mơ còn gọi Mơ Tam thể có công dụng thanh nhiệt, sát khuẩn, chữa tiêu chảy, kiết lỵ và nó còn nhiều tác dụng khác như kháng khuẩn, kháng virus, kháng viêm chống nôn, chống khối u, … rất tốt. Hãy cùng Dược sĩ, Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội tìm hiểu về loài cây này nhé!
1. Đặc điểm chung cây Mơ tam thể
- Tên gọi khác: Mơ lông, mơ leo, Mơ tam thể, dây mơ tròn, ngưu bì đồng, dây thối địt.
- Tên khoa học: Paederia tomentosa L – Họ Rubiaceae (Cà phê).
1.1. Mô tả thực vật:
Mơ tam thể là loại dây leo, dễ phát triển.
Lá hình trứng hay mác dài, mọc đối gốc lá tròn hay hình tim, cuống dài, một đầu nhọn, màu tím nhạt ở mặt dưới và màu xanh ở mặt trên, được bao phủ bằng một lớp lông mịn ở trên, mặt lá thường bị nấm Aecidium paederiae ăn hại.
Hoa tím nhạt, tràng hình ống hình loa kèn, mọc thành xim ở kẽ lá, đầu cành hoa. Mùa ra hoa từ tháng 7 – 11.
Quả hình cầu, đài tồn tại có màu vàng nâu, bóng, bên trong chứa 2 nhân dẹt, có cánh màu nâu đen.
Mùa Quả từ tháng 8 đến tháng giêng năm sau.
Toàn cây khi vò nát sẽ có mùi thối khó chịu. Cây sinh trưởng mạnh và rất dễ phát triển.
1.2. Phân bố
Rau Mơ được tìm thấy ở nhiều nước nhất là ở các vùng Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam.
Ở nước ta, cây mọc ở khắp nơi, được trồng làm hàng rào và lấy lá làm thực phẩm, dược liệu. Cây còn mọc hoang ở các bụi rậm, bờ vườn.
Hiện tại có khoảng 5 loại cây lá mơ khác nhau Việt Nam. Trong đó, lá mơ lông được dùng phổ biến nhất.
1.2. Thu hái và chế biến
Thường thu hái vào mùa hè, rễ vào mùa thu và đông, thu hái toàn cây.
Sau khi thu hái mang về rửa sạch, phần thân, rễ cũng được đem cắt ngắn. Dùng tươi hoặc phơi khô.
Có thể dùng lá tươi, được hái khi cần dùng đến.
2. Bộ phận dùng
Toàn cây cả rễ nhưng chủ yếu là lá và rễ.
3. Thành phần hóa học
Mơ Tam thể có nhiều hoạt chất bao gồm:
– Iridoid glycoside: là hoạt chất chính bao gồm 3 chất: asperuloside, paederoside and scandoside.
– Flavonoid: gồm quercetin, kaempferol và dẫn xuất của chúng được tìm thấy nhiều trong lá, quả, hạt.
– Tinh dầu: có mùi rất hăng là một chất chứa sulfur, đây chính là chất gây ra mùi hôi của cây.
Ngoài ra trong lá và thân còn chứa các triterpenoids, coumarins, sterols, phenolic acids, và anthraquinoid. Các axit béo: hentriacontanol, palmitic acid; carotene, ceryl alcohol, …
4. Tác dụng dược lý
* Theo Y học cổ truyền
Rau Mơ có Vị đắng, tính bình.
Tác dụng: tiêu thực tích, chỉ khái, giải độc, khu phong lợi thấp và hoạt huyết tiêu thũng.
Chủ trị: chữa các trường hợp đau bụng do co thắt túi mật, ruột, dạ dày, trẻ em bị cam tích tiêu hóa kém, tiêu chảy, kiết lỵ do trực trùng, viêm gan vàng da, ho gà, ho do viêm khí quản, đau nhức xương khớp.
Dùng ngoài chữa trị được bệnh eczema, lở loét, viêm da, vết thương do rắn cắn.
Lá mơ tam thể dùng chữa được nhiều bệnh
* Theo dược lý hiện đại
Theo Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết: Trong lá mơ, nghiên cứu cho thấy có hoạt chất sulfur dimethyl disulphit có tác dụng tương tự như kháng sinh giúp diệt vi khuẩn gây bệnh, chống viêm. Bên cạnh đó thành phần Paederin có hoạt tính dược lý cao đối với hệ thần kinh của người. Nên Mơ lông có các tác dung sau:
– Tác dụng giảm đau, chống nôn, chống viêm
– Tác dụng trên hệ tiêu hóa: Dạng thuốc sắc có tác dụng chữa trị đau loét dạ dày. Dịch chiết của rễ mơ (10 g /100 ml nước) khi dùng bằng đường uống có khả năng tẩy giun.
– Tác dụng kháng khuẩn và virus:
Dịch chiết của cây có khả năng ức chế một số loại vi khuẩn như Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Shigella flexneri, Shigella flexneri ở chuột.
Tinh dầu trong cây có khả năng chống vi rút mạnh, có tác dụng ức chế tốt virus viêm gan B.
– Tác dụng chống khối u: Paederoside là một glycoside iridoid được phân lập từ mơ tam thể.
– Tác dụng chữa trị ho: giống với thuốc chống ho không gây nghiện như dropropizine.
– Tác dụng chống oxy hóa: Lá mơ tươi có hoạt tính chống oxy hóa cao nhất trong toàn bộ cây (78%).
– Các tác dụng khác: Ngoài ra, lá còn được dùng làm thuốc giải độc đối với các vết rắn cắn, chống co giật và làm hạ đường huyết, hạ axit uric.
Cách dùng – liều dùng:
Liều dùng; Dùng 15 – 16 g/ngày, dạng thuốc sắc.
Công dụng; Dùng ngoài trị các trường hợp viêm da lở loét, chàm, vết thương do rắn cắn.
5. Những bài thuốc kinh nghiệm từ Mơ tam thể
1. Chữa trị ăn không tiêu gây đau tức thượng vị
lấy 30 – 60 g Rễ hoặc dây mơ tươi hoặc khô thì lấy 10 – 20 g sắc nước uống trong ngày.
2. Tiêu chảy do nóng
– Dây lá mơ còn tươi 30 – 50 g sắc uống.
– Hoặc: lá mơ 16g, 8g nụ sim sắc với 500ml nước cho đến khi còn lại 200ml, sau đó chia uống hai lần trong ngày.
Cây mơ lông chữa trị một số bệnh lý trong Y Học Cổ Truyền
3. Phong thấp đau nhức khớp xương
Rễ hoặc dây, lá 40-50g. Sắc với rượu, thêm đường để uống trong hoặc dùng ngoài xoa bóp nơi đau nhức.
4. Viêm da, chàm, ngứa toàn thân
Ngọn non hoặc cành lá non 1 nắm đem giã nát rồi xoa xát vào chỗ tổn thương, làm vài lần/ngày, mỗi lần 5 – 10 phút.
5. Cam tích trẻ em (suy dinh dưỡng)
Dùng rễ hoặc dây30 g, lá mơ lông tươi hoặc 15 g khô hầm với dạ dày heo chia nhiều lần ăn trong ngày.
Ở Philippines, để điều trị sỏi thận, bí tiểu người dân uống nước sắc mơ tam thể.
6. Chữa Lỵ trực khuẩn do amip
Lá 30g tươi rửa sạch, thái nhỏ trộn với trứng gà bọc lá chuối nướng hoặc rán khô
Ngày ăn trong 5 – 8 ngày, 2 – 3 lần/ngày, trung bình dùng 7 ngày.
Sau khi dùng cần Kiểm tra, xét nghiệm phân nếu còn trứng amip thì ăn thêm một liệu trình nữa.
7. Chữa trị chứng sôi bụng, ăn khó tiêu
Lá mơ tươi 1 nắm, rửa sạch rồi ăn kèm với cơm như rau hoặc giã nát lấy nước uống.
Dùng liên tiếp trong 2 – 3 ngày sẽ có kết quả tốt.
8. Chữa trị giun đũa
Lá mơ lông 1 nắm, đem giã nhỏ và cho tí muối ăn sống hoặc vắt lấy nước uống. Uống liên tục 3 buổi sáng vào lúc đói, giun sẽ tống ra ngoài.
9. Chữa trị giun kim
Lá mơ 30g, cho vào 50ml nước nóng, sau đó vắt lấy nước cốt rồi bơm thụt vào hậu môn, giữ lại khoảng 20 phút vào lúc 19 – 20 giờ trước khi đi ngủ, giun sẽ ra ngoài.
10. Nấm da, chàm, eczema, giời leo
Lá mơ một nắm, đem rửa sạch, nghiền mịn rồi bôi vào chỗ ngứa.
6. Những lưu ý trước khi dùng
Ngoài loài lá mơ lông kể trên, ngoài tự nhiên còn một loại khác là cây mơ dại.
Cây này lá màu xanh, nhẵn không có lông mùi hắc (thường dùng làm gia vị cho món dồi chó vì nó ăn rất ngậy và mùi thơm hơn mơ tam thể). Loại Mơ dại cũng có cùng tác dụng như lá mơ tam thể.
Cây mơ lông dại
Lá mơ được đánh giá là khá an toàn khi dùng theo đường uống và đường bôi ngoài da.
Mặc dù vậy khi sử dụng cũng cần lưu ý sau:
– Dùng làm thuốc nên chọn lá mơ sạch. Lá sau khi hái dù ăn sống, đắp ngoài hay sắc nước uống cũng nên ngâm với nước muối trong khoảng 20 phút để loại trừ các chất độc hại.
– Dùng đúng liều lượng, lập tức ngưng sử dụng nếu bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của dược liệu.
Cây Mơ Tam thể vừa là vị thuốc đa dụng,vừa rất phổ biến dễ cũng tìm có nhiều tác dụng hữu ích.
Để dùng vị thuốc này một cách có hiệu quả nhất và an toàn, người dùng cần tham vấn ý kiến của thầy thuốc chuyên môn nhé./.
Theo: DsCKI. Nguyễn Quốc Trung – caodangyduoctphcm.com.vn
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913