Ngứa họng và ho khan, đặc biệt vào ban đêm, có thể gây ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ. Đây cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn, vì vậy bạn không nên chủ quan mà cần đi khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân nào gây ngứa họng ho khan
Theo Dược sĩ CK1 Nguyễn Quốc Trung – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, ngứa họng ho khan là cảm giác khó chịu và ngứa trong cổ họng, kèm theo triệu chứng ho, thường xảy ra vào ban đêm và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tình trạng này có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, gây tác động tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần. Nguyên nhân có thể do thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường sống ô nhiễm, hoặc thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ăn đồ lạnh, chiên rán, uống rượu bia, hút thuốc lá,… Ngoài ra, một số bệnh lý cũng gây ra ngứa họng ho khan, bao gồm:
- Viêm mũi dị ứng: Đây là nguyên nhân phổ biến, gây ngứa mũi, hắt xì, khó chịu ở họng và ho khi bị tác động bởi môi trường hoặc thời tiết.
- Cảm lạnh, cảm cúm: Ngoài triệu chứng sốt, nghẹt mũi, sổ mũi, mệt mỏi, người bệnh cũng có thể bị ngứa họng và ho. Tình trạng này thường giảm sau một thời gian ngắn với chế độ chăm sóc phù hợp.
- Viêm amidan, viêm họng: Viêm amidan là tình trạng nhiễm trùng và sưng amidan, còn viêm họng là viêm niêm mạc họng do liên cầu khuẩn. Cả hai đều gây ngứa họng ho khan, đau và vướng khi nuốt, và có thể sốt vào chiều tối.
- Viêm phế quản, viêm phổi: Ngứa họng ho khan có thể là dấu hiệu của viêm phế quản hoặc viêm phổi, thường nặng hơn vào ban đêm. Nếu không được điều trị, các bệnh này có thể trở thành mãn tính hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
- Hen suyễn: Người bị hen suyễn thường bị ngứa họng ho khan do niêm mạc ống phế quản bị sưng và thu hẹp, gây khó thở và khó chịu ở cổ họng.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Đây cũng là nguyên nhân gây ngứa họng ho khan, do dịch vị axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, kích thích và tổn thương niêm mạc họng.
Phương pháp khắc phục ngứa họng ho khan
Theo Cô Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, để giảm triệu chứng ngứa họng ho khan, bạn có thể thực hiện những biện pháp sau:
- Kiểm soát ăn uống và thời gian đi ngủ: Hạn chế ăn quá no vào buổi tối và tránh ăn gần giờ đi ngủ, đặc biệt là đồ chiên rán và thức ăn nhiều dầu mỡ. Điều này giúp kiểm soát chứng trào ngược và giảm nguy cơ ho khan, ngứa họng.
- Kê gối cao khi ngủ: Kê gối cao (từ 15 – 20cm) giúp kiểm soát các cơn ho và ngứa họng vào ban đêm, đặc biệt là khi bạn mắc các bệnh lý hô hấp hoặc trào ngược dạ dày.
- Chọn tư thế ngủ phù hợp: Nằm nghiêng về một bên giúp thông thoáng đường hô hấp và giảm kích thích cho cổ họng, từ đó giảm ngứa và ho.
- Tạo độ ẩm trong phòng ngủ: Sử dụng máy tạo ẩm hoặc đặt các chậu cây hương thảo để cân bằng độ ẩm trong phòng, giảm khô họng và ngứa.
- Xây dựng lối sống lành mạnh: Ăn uống cân đối, vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng. Hạn chế thuốc lá và rượu bia để cải thiện hệ miễn dịch và phòng tránh các bệnh liên quan đến họng và phổi. Đồng thời, hãy duy trì môi trường sống sạch sẽ và thoáng đãng để hỗ trợ sức khỏe hệ hô hấp của bạn.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ khi bị ngứa họng ho khan?
Nếu bạn đã thử các biện pháp trên mà tình trạng ngứa họng ho khan không giảm, hoặc bạn gặp các triệu chứng sau, hãy đi khám:
- Ngứa họng ho khan kéo dài hơn 10 ngày.
- Sốt cao, vượt quá 38 độ C.
- Thở khò khè, thở rít, hoặc khó thở.
- Xuất hiện phát ban, nổi mề đay.
- Mặt sưng.
- Biếng ăn, mất ngủ, cảm thấy mệt mỏi, suy nhược.
Trong những trường hợp này, việc đi khám sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân và đề xuất phương án điều trị phù hợp.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913