Tin Tức

Bệnh Quai bị và những điều cần biết!

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể bắt gặp ở nhiều đối tượng khác nhau, tuy lành tính nhưng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời, đúng cách.

Bệnh quai bị

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính khá phổ biến trên thế giới, đối tượng hay bắt gặp là trẻ em và thanh thiếu niên. Mặc dù bản chất bệnh Quai bị lành tính nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như vô sinh, tổn thương hệ thần kinh… Bài viết dưới đây được các Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM tổng hợp và chia sẻ, giúp các bạn có thể hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị đối với bệnh quai bị.

I – Bệnh quai bị là gì?

Bệnh quai bị (hay còn gọi là bệnh viêm tuyến mang tai) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch đối với trẻ em, thanh thiếu niên. Bệnh do virus quai bị (Mumps virus), thuộc họ Paramyxoviridae gây nên.

Triệu chứng lâm sàng phổ rõ nét nhất là tình trạng sưng đau tuyến nước bọt (nhiều nhất ở mang tai) không hóa mủ, có thể có kèm theo viêm ở một vài tuyến khác như: tụy, sinh dục, màng não,… Quai bị thường chỉ bị một lần hiếm khi tái phát lại do cơ thể có khả năng tạo miễn dịch bền vững và kéo dài nên đa phần những người đã mắc sẽ không mắc lại.

II – Nguyên nhân dẫn đến bệnh quai bị

Quai bị có mặt trên toàn thế giới và chỉ xuất hiện ở người, bệnh đa phần gặp ở trẻ nhỏ và tuổi vị thành niên, người lớn cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ là khá thấp. Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, và đường ăn uống, thường dễ lây nhất vào 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng hay 6 ngày sau khi các triệu chứng biến mất. Nguyên nhân gây bệnh do virus lây lan bằng hình thức giọt bắn, từ những giọt nước bọt nhỏ li ti khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi… sau đó phát tán trong không khí và đi qua đường hô hấp của người không mắc bệnh.

Con đường lây nhiễm bệnh quai bị

Khi nhiễm bệnh, virus nhân lên trong khoang tỵ hầu và hạch bạch huyết và tăng cao trong huyết thanh khoảng 12-15 ngày sau nhiễm rồi lan ra các cơ quan khác.

III – Triệu chứng bệnh quai bị

Theo cho biết của Giảng viên Cao đẳng Dược: Các triệu chứng của người mắc bệnh quai bị thường xuất hiện sau 2 – 3 tuần tính từ thời điểm nhiễm virus, triệu chứng sẽ giảm dần trong tuần tiếp theo, biểu hiện đặc trưng là một hoặc cả hai bên tuyến nước bọt mang tai bị sưng đau, nhiều trường hợp nặng còn sưng đau tới tận góc xương hàm dưới của mang tai.

Các giai đoạn của bệnh:

– Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài khoảng 14 – 24 ngày, gần như không có triệu chứng trên lâm sàng.

– Giai đoạn khởi bệnh: Các triệu chứng xuất hiện đột ngột:

• Đau đầu, khó chịu.

• Kém ăn, suy nhược cơ thể.

• Sốt vừa, không gây lạnh run.

• Họng và góc hàm bị đau.

• Đau ở góc dưới xương hàm.

• Tuyến mang tai sưng to dần, đau nhức (đau tăng khi nhai hoặc thăm khám).

Viêm tuyến nước bọt cũng sẽ có những triệu chứng giống với quai bị nên rất dễ nhầm lẫn nên cần phải phân biệt rõ ràng.

– Giai đoạn toàn phát

• Tuyến mang tai viêm dẫn đến sưng to và đau nhức, ban đầu đau một bên rồi lan dần sang bên còn lại và các tuyến nước bọt khác. Hoặc sưng dưới hàm làm mất cân đối khuôn mặt

• Trong 3 ngày đầu của bệnh, người mắc bệnh quai bị có biểu hiện sốt cao 39 – 40 độ C (dễ gặp nhất đối với trường hợp bị viêm tinh hoàn, viêm màng não).

• Người bệnh đau đầu, nói khó, chán ăn, khó nuốt và đau bụng.

– Giai đoạn hồi phục

• Sau một tuần của giai đoạn toàn phát các triệu chứng sẽ thấy giảm dần rồi từ từ biến mất. Người bệnh giảm đau sưng tuyến mang tai, chứng đau họng, đau đầu hay khó nuốt cũng biến mất.

IV – Biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị

Quai bị tuy là một bệnh lành tính nhưng không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời thì vẫn có thể dẫn đến những biến chứng khó lường:

– Viêm tinh hoàn

Đối tượng hay gặp nhất là ở trẻ nhỏ, số ít hơn gặp ở người trưởng thành và thanh thiếu niên. Người mắc bệnh sẽ thấy tinh hoàn sưng to gấp 2 – 3 lần mức bình thường, bìu đau, dày mào tinh bất thường, mệt mỏi, sốt cao. Có khoảng 30% trường hợp bệnh trong số các trường hợp mắc quai bị sẽ bị teo tinh hoàn khiến cho số lượng và chất lượng tinh trùng bị ảnh hưởng làm gia tăng nguy cơ vô sinh.

Biến chứng viêm tinh hoàn dễ gặp do mắc quai bị ở nam giới

– Viêm buồng trứng

Người bệnh biến chứng viêm buồng trứng do quai bị thường đau bụng âm ỉ hoặc xuất hiện từng cơn đau vùng hố chậu, khí hư ra nhiều bất thường và có mùi hôi, có sự biến đổi về màu sắc và co giật. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách bệnh sẽ tiến triển thành viêm buồng trứng mãn tính, u nang ống dẫn trứng, u nang buồng trứng, tắc vòi trứng,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh con sau này.

– Viêm não

Người mắc quai bị có nguy cơ mắc viêm não và viêm màng não do virus khi đi vào cơ thể có thể tấn công hệ thần kinh trung ương, ở người lớn sẽ dễ bắt gặp hơn là trẻ em.

– Điếc vĩnh viễn

Đây là biến chứng rất hiếm gặp, có tỷ lệ 2/10.000 trường hợp bệnh, chủ yếu xảy ra ở giai đoạn khởi phát của bệnh vì virus quai bị khiến cho ốc tai bị tổn thương, trường hợp này người bệnh thường sẽ bị điếc vĩnh viễn.

Ngoài ra, người mắc bệnh quai bị có thể gặp phải một số biến chứng hiếm gặp khác như: viêm đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp,… Đối với phụ nữ mang thai trong 12 – 16 tuần nếu mắc quai bị rất dễ sảy thai.

Nguồn: caodangyduoctphcm.com.vn

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh

Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295

Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *