Tin Tức

Công dụng và bài thuốc từ cây cỏ lào

Cây cỏ lào là dược liệu mang nhiều công dụng tốt đối với sức khoẻ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và những bài thuốc hay về loại cây này trong bài viết sau nhé!

Hình ảnh cây cỏ lào trong tự nhiên

1. Đặc điểm thực vật của cây cỏ lào

Theo GV Cao đẳng Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur: Cây cỏ lào có nhiều tên gọi khác nhau như cây bớp bớp, cây yên bạch hay cây bù xích. Đây là loại cây thuộc họ Cúc (Asteraceae), cỏ lào thuộc giống cây thân thảo, cây có chiều cao trung bình đạt đến 2 mét. Cành cây mọc ngang; lá cây mọc đối nhau, lá cây có hình trái xoan, méo lá có hình răng cưa, cuống lá dài từ 1 – 2m.

Thời điểm cây ra hoa vào cuối mùa đông đến đầu mùa xuân. Khi hoa mới nở, hoa sẽ có màu tím nhạt hay phớt nhẹ màu xanh, sau đó hoa chuyển sang màu trắng; cánh hoa có hình dạng sợi, cụm hoa thường mọc ở vị trí ngọn cây và có nhiều hoa đơn ở mỗi cụm hoa. Quả của cây cỏ lào thuộc vào loại qủa bế hình thoi, quả có 5 cạnh và có lông.

Cây cỏ lào là loại cây có tính thích ứng tốt và có sự phát triển một cách mạnh mẽ. Vào mùa mưa, cây có khả năng phát triển rất mạnh. Tại Việt Nam, cây được tìm thấy nhiều tại các vùng núi, trung du và đồng bằng…

Thành phần hóa học của cây cỏ lào có chứa đạm chiếm 2,65%; kali chiếm 2,48%; phospho chiếm 0,5%; ngoài ra còn có chứa tinh dầu; alcaloid và tanin… trong đó lá là bộ phận được sử dụng chủ yếu. Cây cỏ lào thường được dùng ở dạng tươi; bên cạnh đó cũng có thể sử dụng ở dạng khô bằng cách thu hái về thì đem phơi khô sau đó dùng dần.

Cây cỏ lào được dùng để trị đau nhức xương

2. Cây cỏ lào và những công dụng đối với sức khoẻ

– Cây cỏ lào có vị hơi cay, mùi hôi nhẹ và mang tính ấm. Cây có lào có công dụng kháng khuẩn, phòng độc và chống tụ mủ. Ngoài ra còn có khả năng sát trùng, cầm máu và chống viêm…

– Cây cỏ lào thường được sử dụng lá tươi đem vò nhuyễn hoặc giã nát để đắp cầm máu. Cỏ lào cũng được dùng để trị đau nhức xương, trị viêm đại tràng, viêm răng lợi, ghẻ, lở hay nhọt độc…

– Cây cỏ lào còn được sử dụng với mục đích chữa bệnh lỵ cấp tính, bệnh ỉa chảy ở trẻ em.

– Đặc biệt hơn nữa cây cỏ lào có công dụng kháng khuẩn và chống viêm, chống độc. Cây có khả năng ức chế trực khuẩn lỵ Shigella và kháng lại vi khuẩn gây mủ trên những vết thương hở.

Cây cỏ lào có công dụng điều trị viêm loét dạ dày

3. Những bài thuốc điều trị bệnh bằng cây cỏ lào

Sau đây là một số bài thuốc điều trị bệnh bằng cây cỏ lào được các GV Cao đẳng Y Dược TPHCM tổng hợp và chia sẻ gồm:

Điều trị đau nhức xương: Dùng 8g cây cỏ lào tươi, 12g cây dây đau xương. Đem sao vàng và sắc lấy nước uống.

Điều trị viêm loét dạ dày: Dùng 20g cỏ lào, 30g lá khôi, 20g dạ cảm, 5g tam thất nam. Đem sắc lấy nước, uống hàng ngày.

Điều trị tiêu chảy và lỵ trực trùng: Dùng 12g cỏ lào sắc lấy nước pha thêm đường, uống 3 lần/ngày.

Điều trị tiêu chảy và viêm nhiễm đường ruột: Dùng 150g lá cỏ lào tươi đem hãm với nước sôi hoặc gia giảm liều lượng xuống 50g khi dùng lá khô, uống mỗi ngày.

Điều trị viêm đại tràng: Dùng 20g cỏ lào, 25g bạch truật, 10g khổ sâm. Sắc tất cả dược liệu lấy nước và uống.

Điều trị táo bón: Dùng từ 3 – 5 ngọn cây cỏ lào đem rửa sạch. Nhai kỹ cùng một ít muối, sau đó nuốt cả nước và bã.

Dùng quá liều cây cỏ lào gây ngộ độc

4. Thận trọng khi dùng cây cỏ lào

– Do cây cỏ lào có chứa một phần độc tính nhẹ do đó cần phải sử dụng đúng liều lượng. Nếu tự ý dùng quá liều có thể gây ra tình trạng ngộ độc: đau đầu, buồn nôn, nôn và chóng mặt.

– Khi sử dụng cây cỏ lào cần theo dõi xem cơ thể có sự thay đổi bất thường hay không. Khi gặp phải tác dụng phụ không mong muốn cần ngưng sử dụng và nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng đang gặp phải.

– Cần bảo quản dược liệu đúng cách, cây cỏ lào thường được sử dụng ở dạng tươi. Ở một số trường hợp cần dùng dược liệu ở dạng khô nên cất dược liệu trong hộp kín và bảo quản tại những nơi thoáng mát và khô ráo, tránh độ ẩm cao để đảm bảo dược liệu không bị hư hỏng, ẩm mốc và không đảm bảo về chất lượng sử dụng.

– Hiệu quả điều trị bệnh đem lại sau khi dùng các bài thuốc chữa bệnh có dùng cây cỏ lào có thể không giống nhau giữa những đối tượng người dùng khác nhau vì nhiều nguyên nhân như: cơ địa cũng như mức độ và tình trạng bệnh ở mỗi người cũng có sự khác nhau.

– Cần trao đổi trước với bác sĩ khi có ý định sử dụng cỏ lào trong điều trị bệnh lý. Sau khi nắm rõ biết được chi tiết về cách dùng, liều lượng sử dụng dược liệu đảm bảo được độ an toàn và hiệu quả mang lại. Kèm theo đó chính là giúp hạn chế nguy cơ bị ngộ độc và gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe hay khiến tình trạng bệnh của bản thân tiến triển nghiêm trọng.

Nguồn: caodangyduoctphcm.com.vn

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh

Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295

Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *