Tin Tức

Lưu ý khi sử dụng các thuốc hạ acid uric máu

Việc sử dùng thuốc hạ acid uric an toàn giúp tránh được các biến chứng này, tuy nhiên cần lưu ý dùng thuốc để đạt hiệu quả và an toàn.

Khi acid uric trong máu tăng cao bất thường, không đào thải được ra khỏi cơ thể, nó có thể kết tinh lại thành các tinh thể urat, lắng đọng ở khớp gây ra cơn gút cấp hoặc lắng đọng hạt tophi dưới da, tạo thành sỏi urat ở thận.

 1.  Thuốc giảm acid uric máu là gì?

Tăng acid uric máu là tình trạng khi xét nghiệm nồng độ acid uric trong máu cao bất thường, xảy ra khi cơ thể tăng sản xuất acid uric trong máu hoặc bị giảm đào thải được acid uric ra khỏi cơ thể. Tăng acid uric máu có thể dẫn đến tổn thương xương, khớp vĩnh viễn, lắng đọng tophi dưới da, gây cơn gout cấp, gout mạn, sỏi thận, tăng nguy cơ bệnh lý tim và thận.

<center><em>Tăng acid uric máu gây ra nhiều biến chứng cho cơ thể</em></center>
Tăng acid uric máu gây ra nhiều biến chứng cho cơ thể

Thuốc trị gout bằng cách làm hạ nồng độ acid uric trong máu, giúp giảm biến tính nghiêm trọng của các đợt viêm cấp, đồng thời hạn chế nguy cơ biến chứng xảy ra.

Việc sử dụng thuốc hạ acid uric máu giúp đưa chỉ số acid uric trong máu về mức bình thường như đạt nồng độ acid uric máu dưới 300 umol/l (5mg/dl) đối với bệnh nhân đã có hạt tophi và nồng độ acid uric máu dưới 360 umol/l (6mg/dl) với bệnh nhân chưa có hạt tophi.

Theo Dược sĩ CK1 Nguyễn Hồng Diễm – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết:

Các thuốc hạ acid uric máu tác động vào các giai đoạn khác nhau của quá trình chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Tùy theo cơ chế tác dụng phân ra các nhóm sau:

Thuốc ức chế sự tổng hợp acid uric máu: Allopurinol, Febuxostat

Thuốc giúp tăng thải acid uric: Probenecid

Thuốc tiêu acid uric: Pegloticase

Thuốc ức chế sự tái hấp thu acid uric có chọn lọc: Lesinurad

2. Một số thuốc hạ aicd uric máu thường dùng?

2.1. Allopurinol

Allopurinol có tác dụng giảm nồng độ acid uric trong máu phổ biến nhất, hoạt động bằng cách ức chế quá trình tổng hợp acid uric máu trong cơ thể. Allopurinol bắt đầu làm giảm acid uric máu ngay từ 24 giờ đầu sau dùng thuốc và đạt hiệu quả tối đa sau 2 tuần dùng thuốc.

Allopurinol được chỉ định sử dụng để giảm nồng độ acid uric trong viêm khớp gout, sỏi thận, tăng acid uric máu trong hội chứng Lesch-Nyhan và bệnh đa u tủy xương.

Tác dụng phụ: kích ứng dạ dày ruột, ban đỏ, nhiễm độc gan, ức chế tủy xương, hội chứng Steven-Johnson, hội chứng tăng nhạy cảm với Allopurinol (AHS) hiếm gặp nhưng nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân là 2-8%, thường gặp ở bệnh nhân suy thận, cần chỉnh liều thuốc khi dùng cho người suy thận. Nếu dùng chung với amoxicillin hoặc ampicillin làm tăng tác dụng phụ của allopurinol.

Chống chỉ định: Người bị dị ứng với Allopurinol, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, không được dùng chung với xanturic.

Cách dùng – liều dùng:

Uống sau bữa ăn chính với nhiều nước.

Liều khởi đầu thấp: 100mg/ngày.

Có thể tăng liều: 200-300mg/ngày

2.2. Febuxostat

Febuxostat có tác dụng giảm nồng độ acid uric trong máu bằng cách ức chế tổng hợp acid uric trong cơ thể thông qua cơ chế ức chế enzyme xúc tác trong quá trình phân giải purine thành acid uric.

Febuxostat ít nguy cơ dị ứng hơn allopurinol, nên được chỉ định dùng khi không dung nạp hoặc dị ứng với allopurinol. Thận trọng dùng Febuxostat cho người bệnh có tiền sử hoặc đang có bệnh lý tim mạch như suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Febuxostat được chỉ định điều trị tăng acid uric máu ở bệnh nhân có gút, nhưng không chỉ định cho những trường hợp tăng acid uric máu không triệu chứng. Febuxostat dùng được cho người bệnh suy thận có mức lọc cầu thận trên 30 ml/phút không cần phải chỉnh liều.

Tác dụng phụ:  Ít gặp bao gồm phát ban trên da, chức năng gan bất thường, đau khớp, buồn nôn, viêm cấp tính của khớp do cơn gút tấn công, chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, đau bụng dữ dội. Tác dụng phụ hiếm gặp bao gồm: Lượng kali trong máu thấp, giảm tiểu cầu, phản ứng phản vệ, nhìn mờ, viêm tụy, loét miệng, viêm gan, vàng da, tổn thương gan, hoại tử thượng bì nhiễm độc,  hội chứng Stevens-Johnson, phù mạch, phát ban toàn thân (nghiêm trọng), ban đỏ, ban tróc vảy, ban dạng mụn trứng cá, ban mụn nước, ban mụn mủ, ban ngứa, phát ban đỏ da, phát ban giống bệnh sởi, rụng tóc, tăng tiết mồ hôi, tiêu cơ vân, cứng khớp, cứng cơ xương khớp, tăng glucose huyết, thời gian thromboplastin từng phần hoạt hóa kéo dài, giảm số lượng hồng cầu, tăng phosphatase kiềm trong máu.

<center><em>Sử dụng thuốc hạ acid uric máu theo chỉ định của bác sĩ</em></center>
Sử dụng thuốc hạ acid uric máu theo chỉ định của bác sĩ

Chống chỉ định: Người bị dị ứng với Febuxostat, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, suy tim mãn tính, rối loạn mạch máu não, cứng động mạch do tích tụ mảng bám, xét nghiệm chức năng gan bất thường, tăng nguy cơ biến cố tim mạch, bệnh thận mãn tính giai đoạn 4 (nặng), Trẻ em dưới 18 tuổi.

Cách dùng – liều dùng:

Uống sau bữa ăn chính với nhiều nước.

Liều khởi đầu: 40mg/lần/ngày.

Có thể tăng liều: 80mg/lần/ngày

2.3. Probenecid

Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM chia sẻ thêm: Probenecid có tác dụng hạ acid uric máu bằng cách làm tăng bài tiết acid uric vào nước tiểu và làm giảm nồng độ acid uric trong huyết tương. Probenecid làm giảm hoặc ngăn chặn urat lắng đọng, hình thành tophi và các biến đổi mạn tính ở khớp; thúc đấy làm tan các lắng đọng urat đã có, số lần các cơn gút cấp giảm sau vài tháng điều trị.

Probenecid được chỉ định sử dụng để tăng đào thải acid uric qua thận, vì vậy cần chú ý với những bệnh nhân có sỏi thận và những biện pháp kiềm hóa nước tiểu.

Probenecid được chỉ định cho người bệnh tăng acid uric huyết do bệnh gout,  trong viêm khớp mạn tính và có tophi do gút giai đoạn mạn tính. Tăng acid uric máu do dùng thuốc lợi tiểu thiazid, furosemid, acid ethacrynic, ethambutol, pyrazinamid.

Tác dụng phụ:  Thường gặp bao gồm đau đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau lợi, cảm giác chóng mặt, tăng số lần tiểu tiện. Hiếm gặp bao gồm ngứa, mày đay, ban da, hoại tử gan, hội chứng thận hư, thiếu máu bất sản, gặp sốc phản vệ, hội chứng Stevens-Johnson, viêm da, hiếu máu tan máu ở bệnh nhân thiếu hụt G6PD.

Chống chỉ định: Người có tiền sử dị ứng với probenecid., rối loạn chức năng đông máu, sỏi thận, đặc biệt là sỏi urat, sử dụng cùng aspirin hay các dẫn chất salicylat, cơn gút cấp, rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp, trẻ em dưới 2 tuổi, suy thận có hệ số thanh thải creatinin < 30 ml/phút, tăng acid uric huyết thứ phát do các bệnh lý về máu ác tính

Cách dùng – liều dùng:

Uống sau bữa ăn chính với nhiều nước.

Liều khởi đầu: 250mg/lần x 2 lần/ngày.

Có thể tăng liều: 250mg/lần x 2 lần/ngày

Tóm lại, thuốc hạ aicd uric máu có tác dụng rất hiệu quả trong việc giảm acid uric máu trong các bệnh lý gout, viêm khớp. Người bệnh cần lưu ý sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn chỉ định từ bác sĩ bào gồm cách dùng, liều dùng, thời gian dùng, lưu ý tác dụng phụ và chống chỉ định của thuốc để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả điều trị.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Nguồn: Tin tức – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh

Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295

Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *