Căng cơ bắp chân là một tình trạng phổ biến thường xuất hiện khi ta thực hiện các hoạt động vận động như chạy nhảy, hoặc trượt chân. Ngoài việc gây khó chịu và đau đớn, hiện tượng này có thể dẫn đến các biến chứng như rách cơ bắp hoàn toàn. Để hiểu nguyên nhân và cách khắc phục, hãy cùng tìm hiểu qua thông tin dưới đây.
Các dấu hiệu nhận biết tình trạng căng cơ bắp chân
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM, bắp chân là nhóm cơ ở phía sau của ống chân. Căng cơ bắp chân có thể xuất hiện ở mọi người, nhưng thường thấy nhiều nhất ở các vận động viên. Những dấu hiệu của căng cơ bắp chân có thể bao gồm:
- Đau âm ỉ, tê, khó chịu ở bắp chân, thậm chí có thể lan ra đầu gối, mắt cá chân và bàn chân khi vận động chân.
- Bắp chân bị bầm tím, sưng hoặc đau đột ngột.
- Khó gập cổ chân hoặc nâng chân lên.
Khi xuất hiện những triệu chứng này, cần quan sát để có biện pháp xử lý đúng và kịp thời. Mặc dù căng cơ chân phổ biến, nhưng không nên coi thường. Trong một số trường hợp nặng, nó có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng di chuyển.
Nếu bạn gặp khó khăn khi di chuyển, bắp chân đau cả khi nghỉ ngơi, sưng tấy, đau tăng nặng vào ban đêm… hãy đến kiểm tra sớm để điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây ra căng cơ bắp chân
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng căng cơ bắp chân ở người bệnh:
- Vận động quá sức: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây căng cơ bắp chân. Khi người bệnh vận động quá mức hoặc tập trung áp lực lớn vào cơ bắp chân, có thể gây căng và làm tổn thương các sợi cơ.
- Nguyên nhân khác: Có thể bao gồm mất nước, viêm gân, chấn thương hoặc rách cơ, huyết khối tĩnh mạch sâu, các vấn đề về mạch máu ngoại vi, sự kém lưu thông máu, mất cân bằng dinh dưỡng hoặc do việc sử dụng thuốc.
- Các yếu tố nguy cơ: Bao gồm quá trình lão hóa, việc sử dụng giày cao gót, thiếu khởi động trước khi vận động, mang giày không phù hợp khi thực hiện các hoạt động thể chất, cũng như người chơi các môn thể thao như cầu lông, chạy tiếp sức, điền kinh,… thường dễ bị căng cơ bắp chân do phải thực hiện những chuyển động từ trạng thái yên đến tăng tốc một cách đột ngột.
Phương pháp điều trị căng cơ bắp chân
Theo Giảng viên Cao đẳng Dược, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của căng cơ bắp chân, có nhiều phương pháp điều trị khác nhau có thể được áp dụng sao cho phù hợp, ví dụ như:
Nghỉ ngơi để thư giãn bắp chân:
Để bắp chân được phục hồi và tránh tình trạng căng cơ trở nên nghiêm trọng hơn, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, đặc biệt là khi cảm thấy đau. Ngừng các hoạt động vận động như tập thể dục, chạy bộ giúp tránh nguy cơ làm tổn thương cơ bắp chân.
Chườm đá:
Phương pháp này giúp giảm đau và hạn chế sưng tại khu vực căng cơ. Cách thực hiện:
Bọc đá vào khăn hoặc túi chườm lạnh, áp lên vùng cơ bắp chân bị căng cứng.
Chườm trong 15 – 20 phút, và cách nhau 2 – 3 giờ, lặp lại cho đến khi căng cơ được cải thiện.
Kéo căng cơ bắp chân:
Một số bài tập có thể giúp giảm căng cơ bắp chân, nhưng việc thực hiện không đúng có thể làm tình trạng trầm trọng hơn. Trước khi thực hiện bất kỳ bài tập nào, bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa.
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn (NSAIDs):
Các loại thuốc như naproxen (Aleve) hay ibuprofen (Motrin IB, Advil) giúp cải thiện triệu chứng đau nhức do căng cơ gây ra. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được bác sĩ chỉ định để tránh nguy cơ tác dụng phụ lên dạ dày, gan, thận.
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể là phương pháp cần thiết đối với bệnh nhân có căng cơ bắp chân nghiêm trọng và có biến chứng rách cơ. Đây là một biện pháp yêu cầu thực hiện tại viện, đòi hỏi thời gian hồi phục sau phẫu thuật và có nguy cơ một số biến chứng hậu phẫu.
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện một phẫu thuật cắt mở tại vùng bắp chân bị tổn thương, sau đó khâu lại hai đầu cơ bắp đã rách.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần phải bó bột cố định vùng chân bị thương trong một vài tuần để chữa lành hoàn toàn. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân về thời gian phục hồi và việc tái luyện sau khi gỡ bột, có thể bao gồm vật lý trị liệu. Phần lớn người bệnh sẽ mất khoảng 6 tháng để hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật.
Bên cạnh các biện pháp điều trị trên, bệnh nhân cần tuân thủ những chỉ định nhất định như không sử dụng rượu, không chườm nóng hoặc tác động vật lý lên vùng bắp chân bị tổn thương.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913