Những thứ bạn tiếp xúc và thực phẩm bạn ăn hàng ngày có thể làm viêm da cơ địa bùng phát hoặc khiến ngứa trở nên nghiêm trọng hơn. Vậy, viêm da cơ địa cần kiêng gì? Hãy cùng tìm hiểu các tác nhân gây kích ứng trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về bệnh viêm da cơ địa
Dược sĩ CK1 Nguyễn Quốc Trung – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, viêm da cơ địa là tình trạng da xuất hiện mảng đỏ, ngứa và khô. Bệnh thường gặp ở những người có hệ miễn dịch nhạy cảm với các yếu tố bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Các tác nhân môi trường gây bệnh có thể là thay đổi thời tiết, căng thẳng, tiếp xúc với chất kích ứng hoặc ăn phải thực phẩm gây dị ứng.
Người bị viêm da cơ địa nên kiêng gì?
Tránh xa các tác nhân gây dị ứng là cách hiệu quả để kiểm soát viêm da cơ địa. Mặc dù những yếu tố này không phải là nguyên nhân chính gây bệnh, nhưng chúng có thể làm bệnh bùng phát hoặc khiến ngứa trở nên tồi tệ hơn. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn ngăn ngừa bệnh viêm da cơ địa tái phát:
Tránh thực phẩm dễ gây kích ứng: Viêm da cơ địa có thể nặng hơn khi ăn các thực phẩm như lạc, sữa, đậu nành, lúa mì, thủy sản, hoặc trứng, đặc biệt là ở trẻ em. Khi ăn phải thực phẩm gây dị ứng, hệ miễn dịch sẽ giải phóng các chất gây viêm, làm bệnh bùng phát và gây ngứa. Hãy xây dựng chế độ ăn lành mạnh và thử từng thực phẩm để xem cơ thể có phản ứng không, tránh xa những thực phẩm gây ngứa.
Hạn chế tiếp xúc với hóa chất và các chất gây dị ứng: Phản ứng dị ứng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm da cơ địa. Những chất dễ gây dị ứng bao gồm lông động vật, côn trùng, phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất, dầu rửa bát, v.v. Bạn cần tránh xa các tác nhân này, đồng thời giữ cho nhà cửa sạch sẽ, hút bụi thường xuyên, giặt chăn ga gối hàng tuần để tránh gây ngứa ngáy.
Tránh thay đổi nhiệt độ và độ ẩm đột ngột: Nhiệt độ và độ ẩm thấp có thể làm da mất nước, gây khô và kích ứng. Điều này cũng lý giải tại sao viêm da cơ địa thường tái phát vào thời điểm giao mùa. Để tránh tình trạng này, bạn có thể sử dụng điều hòa để giữ nhiệt độ trong phòng ổn định và dùng máy tạo độ ẩm. Ngoài ra, mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để tránh đổ mồ hôi cũng là một cách bảo vệ da hiệu quả.
Không dùng nước quá nóng: Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, việc sử dụng nước quá nóng khi tắm có thể khiến da trở nên khô ráp và ngứa ngáy hơn. Để bảo vệ da, hãy sử dụng nước ấm hoặc nước mát khi tắm và rửa tay. Sau khi tắm, bạn nên thấm khô da bằng khăn mềm thay vì chà xát mạnh và bôi ngay kem dưỡng ẩm để giúp da duy trì độ ẩm.
Chọn quần áo phù hợp: Các loại vải từ lông động vật hoặc sợi tổng hợp như len, polyester, nylon có thể khiến da bị bức bí và dễ bị kích ứng, đặc biệt là khi bệnh viêm da cơ địa tái phát. Bạn nên chọn các loại quần áo làm từ cotton hoặc lụa, những chất liệu thoáng khí giúp giảm ngứa và bảo vệ da. Đồng thời, hãy giặt sạch quần áo mới trước khi mặc để loại bỏ hoàn toàn các hóa chất có thể gây dị ứng.
Hạn chế đổ mồ hôi: Mặc dù tập thể dục rất tốt cho sức khỏe, nhưng việc đổ mồ hôi trong khi tập luyện có thể làm tình trạng viêm da cơ địa trở nên trầm trọng hơn. Để tránh điều này, bạn nên chọn những môn thể thao nhẹ nhàng, mặc quần áo mỏng, thoáng và uống đủ nước để cơ thể không bị mất nước. Sau khi tập thể dục, hãy tắm nước ấm và dùng kem dưỡng ẩm để giữ da mềm mại.
Tránh gãi ngứa: Mặc dù ngứa là triệu chứng phổ biến của viêm da cơ địa, nhưng gãi có thể làm da bị tổn thương và kích ứng, khiến tình trạng ngứa trở nên nghiêm trọng hơn. Để hạn chế tổn thương do gãi, bạn nên cắt ngắn móng tay và thay vì gãi, hãy thoa kem dưỡng ẩm lên vùng da bị ngứa để làm dịu da.
Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress: Stress có thể làm các triệu chứng viêm da cơ địa trở nên nghiêm trọng hơn vì khi cơ thể căng thẳng, các hormone được tiết ra có thể khiến da viêm và kích ứng. Vì vậy, bạn cần chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình. Nếu cảm thấy căng thẳng, hãy tìm sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm lý hoặc áp dụng các phương pháp thư giãn để giảm bớt stress.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn nắm bắt được các tác nhân có thể làm viêm da cơ địa bùng phát và trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, những yếu tố cần kiêng khem có thể khác nhau tùy thuộc vào mỗi người. Để xác định chính xác các tác nhân dị ứng, bạn có thể làm xét nghiệm panel dị ứng để phát hiện chất gây dị ứng cụ thể với cơ thể mình.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913