Với nhiều người bị say xe, việc di chuyển bằng tàu xe qua những quãng đường dài có thể là một thử thách đáng lo ngại. Một trong những cách khắc phục hiệu quả và nhanh chóng nhất là sử dụng thuốc say xe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về loại thuốc này và những điều cần lưu ý khi sử dụng.
Vì sao chúng ta bị say xe?
Trước khi giới thiệu một số loại thuốc chống say xe, hay còn gọi là thuốc say xe, Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân khiến nhiều người bị say tàu xe. Khi di chuyển trên tàu xe, cơ thể có cảm giác đứng yên, không di chuyển, nhưng sự rung lắc liên tục của xe hay tàu sẽ tạo ra tín hiệu chuyển động đến não. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình – cơ quan giúp duy trì sự cân bằng của cơ thể. Khi các tín hiệu không đồng nhất này được truyền đến não, nó sẽ phản ứng bằng cách khiến bạn cảm thấy say xe.
Trẻ em từ 3 đến 12 tuổi, khi hệ thống tiền đình-ốc tai chưa phát triển hoàn thiện, là nhóm dễ bị say xe nhất. Trong khi đó, phụ nữ cũng có khả năng bị say xe cao hơn nam giới. Những người bị say tàu xe thường gặp phải các triệu chứng như:
- Cảm giác khó chịu trong người.
- Buồn nôn và mệt mỏi.
- Chóng mặt và cơn buồn nôn tăng dần, kèm theo đổ mồ hôi, tăng tiết nước bọt và cảm giác lạnh toàn thân.
Say tàu xe có thể là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhưng các triệu chứng này chỉ xuất hiện trong suốt hành trình và sẽ biến mất khi kết thúc chuyến đi, mà không gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Thuốc say xe có gây hại đối với sức khỏe không?
Những người bị say xe và thường xuyên sử dụng thuốc chống say khi di chuyển thường thắc mắc “Uống thuốc say xe có hại không?”. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc chống say, mỗi loại có chỉ định, lưu ý và chống chỉ định riêng. Dưới đây là một số loại thuốc chống say phổ biến và những lưu ý khi sử dụng:
- Thuốc kháng Histamin H1: Nhóm thuốc này không chỉ có tác dụng chống dị ứng mà còn giúp giảm tình trạng buồn nôn, chóng mặt do say xe. Thuốc này có tác dụng phòng ngừa hiệu quả hơn là điều trị, vì vậy để đạt hiệu quả tốt nhất, nên uống thuốc khoảng 30 phút trước khi lên xe. Không nên kết hợp thuốc kháng Histamin H1 với các loại thuốc khác hoặc uống rượu khi dùng thuốc.
Tuy nhiên, theo Dược sĩ CK1 Nguyễn Quốc Trung – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cũng cho biết thêm, thuốc kháng Histamin H1 có thể gây tác dụng phụ như khô miệng, nhìn mờ, rối loạn tâm thần, buồn ngủ… Một số đối tượng cần lưu ý khi sử dụng thuốc này:
- Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi: Không nên sử dụng thuốc kháng Histamin H1 cho trẻ dưới 2 tuổi.
- Người cao tuổi, người mắc các bệnh lý về gan, thận, chuyển hóa, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú: Cần thận trọng khi sử dụng thuốc.
- Người bị bệnh hô hấp, hen phế quản, tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch: Cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc.
- Thuốc kháng đối giao cảm: Đây là nhóm thuốc hiệu quả trong việc ngăn ngừa say xe. Hoạt chất phổ biến là Scopolamine, thường được bào chế dưới dạng miếng dán nhỏ và dễ sử dụng. Miếng dán này có thể kéo dài hiệu quả lên đến 72 tiếng. Thuốc tác dụng qua da và có tác dụng toàn thân, tương tự như thuốc uống hoặc thuốc tiêm.
Để sử dụng hiệu quả, bạn nên dán miếng dán vào vùng da không có lông và không bị trầy xước, ít nhất 4 giờ trước khi di chuyển. Không nên dán nhiều miếng dán cùng lúc hoặc kết hợp với các thuốc khác. Nếu có triệu chứng bất thường, cần gỡ miếng dán ngay.
Khi sử dụng sai cách hoặc dùng quá liều, thuốc có thể gây các vấn đề như:
- Hoa mắt, lú lẫn, buồn ngủ, mất phương hướng.
- Giảm tiết dịch, tăng nhãn áp, rối loạn nhịp tim.
Thuốc này chống chỉ định với người có nhịp tim nhanh, vấn đề về tiêu hóa, phì đại tuyến tiền liệt hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Phương pháp chống say xe mà không cần dùng thuốc
Dưới đây là một số mẹo đơn giản giúp bạn giảm nguy cơ bị say xe mà không cần dùng thuốc:
- Trước ngày di chuyển đường dài, hãy đảm bảo ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi đầy đủ. Đặc biệt, tránh uống bia rượu hoặc các loại đồ uống có cồn trước khi lên xe.
- Tránh ăn quá no hoặc để bụng đói trước khi lên xe.
- Khi di chuyển bằng xe hoặc tàu, nên chọn ngồi ở các ghế nằm ở giữa thân xe hoặc tàu.
- Tránh hút thuốc hoặc ngồi gần người hút thuốc khi xe di chuyển.
- Không nên đọc sách báo trên xe hoặc tập trung nhìn vào một vật nào đó trong thời gian dài. Hạn chế nhìn ngó xung quanh để tránh cảm giác đau đầu và chóng mặt.
- Nhắm mắt lại và hít thở sâu. Bạn cũng có thể mở cửa sổ để hít thở không khí trong lành.
- Sử dụng kẹo gừng, trà gừng để giảm cảm giác buồn nôn, hoặc cắt một lát gừng tươi hay sử dụng vỏ cam quýt để hít hà trong suốt chuyến đi.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913