Theo quan niệm của y học cổ truyền, mọi thứ trên thế giới đều có hai mặt, gọi là Âm và Dương. Âm và Dương không đơn thuần chỉ là hai khái niệm đối lập, mà còn có mối liên hệ chặt chẽ và tương hỗ.
- Nguyên tắc và phương pháp chữa bệnh theo y học cổ truyền có thể bạn chưa biết
- Phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân bỏng
- Cách chăm sóc và phương pháp phục hồi chức năng cho trẻ chậm phát triển trí tuệ
Biểu tượng hình tròn âm – dương
Âm dương là hai mặt, hai thuộc tính của một sự vật luôn mâu thuẫn nhưng thống nhất với nhau làm sự vật đó luôn biến đổi, phát sinh, phát triển không ngừng theo quy luật tự nhiên. Học thuyết âm dương: Là học thuyết dựa vào đặc tính và hoạt động của âm dương để giải thích quá trình biến đổi, phát sinh, phát triển của vũ trụ và vạn vật. Người xưa đã vận dụng học thuyết này để liên hệ giải thích trong y học về giải phẫu, sinh lý, chẩn đoán, điều trị và bào chế thuốc. Vậy học thuyết âm dương có những đặc tính, quy luật gì, ứng dụng vào y học ra sao, hãy cùng Giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sao đây.
Biểu tượng học thuyết âm dương được thể hiện bằng một vòng tròn khép kín với đường cong hình chữ S ngược, chia hình tròn thành hai phần bằng nhau. Trên hình vòng tròn lớn thể hiện sự thống nhất của một sự vật, hình cong S ngược thể hiện sự chuyển hoá, biến đổi giữa 2 mặt của sự vật.
– Phần màu trắng là dương, phần màu đen là âm.
– Vòng tròn nhỏ trắng nằm trong phần đen tượng trưng cho dương trong âm (Thiếu dương), vòng tròn nhỏ đen trong phần trắng là âm trong dương (Thiếu âm).
– Đuôi nhỏ phần đen tiếp đầu lớn phần trắng biểu hiện dương trưởng, âm tiêu.
Đuôi nhỏ phần trắng tiếp đầu lớn phần đen biểu hiện dương tiêu, âm trưởng
– Phần trắng và phần đen luôn cân bằng nhau
1. Đặc tính của âm dương
1.1. Âm dương mang tính chất tương đối
Sự đối lập giữa 2 mặt âm dương là tuyệt đối nhưng trong một số điều kiện cụ thể nào đó, chúng lại có tính chất tương đối.
Ví dụ: Hàn thuộc âm đối lập với nhiệt thuộc dương, nhưng lương (mát) thuộc âm đối lập với ôn (ấm) thì thuộc dương.
1.2. Trong âm có dương trong dương có âm
Âm dương nương tựa, xen kẽ vào nhau để cùng tồn tại.
Ví dụ: Trong một ngày 24 tiếng, ban ngày từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều thuộc
dương, nhưng từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa là dương trong dương, 12 giờ trưa đến 6 giờ tối là âm trong dương. Ban đêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng ngày hôm sau thuộc âm, nhưng từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm thuộc âm trong âm, 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng thuộc dương trong âm.
1.3. Bản chất và hiện tượng
Thông thường bản chất và hiện tượng phù hợp với nhau, khi chữa bệnh người ta chữa vào bản chất bệnh.
Ví dụ: Một số bệnh truyền nhiễm gây sốt cao (chân nhiệt); do nhiễm độc gây trụy mạch ngoại biên làm tay chân lạnh, ra mồ hôi lạnh là triệu chứng hàn nhưng là giả hàn, cả 2 trường hợp đều phải dùng thuốc hàn để điều trị.
Các quy luật của âm dương
2. Các quy luật của âm dương
2.1. Âm dương đối lập
Là sự mâu thuẫn, chế ước và đấu tranh giữa 2 mặt âm dương.
Ví dụ: nước và lửa, ngày và đêm, nhiệt và hàn, ức chế và hưng phấn,…
2.2. Âm dương hỗ căn
Hỗ căn là sự nương tựa lẫn nhau. Hai mặt âm dương tuy có tính đối lập với nhau nhưng phải luôn nương tựa vào nhau thì mới tồn tại và phát triển được.
Ví dụ: Có đồng hoá mới có dị hoá và ngược lại nếu không có dị hoá thì quá trình đồng hoá không tiếp tục diễn ra được.
2.3. Âm dương tiêu trưởng
Tiêu là mất đi, trưởng nghĩa là phát triển, sinh trưởng. Tiêu trưởng nói lên sự vận động không ngừng và sự chuyển hoá lẫn nhau giữa hai mặt âm và dương.
Ví dụ: 4 mùa xuân, hạ, thu, đông với khí hâu khác nhau nhưng luôn có sự chuyển hóa, thay đổi từ lạnh sang nóng, từ nóng sang lạnh. Từ lạnh sang nóng là quá trình “âm tiêu dương trưởng và ngược lại từ nóng sang lạnh là quá trình “dương tiêu âm trưởng”.
2.4. Âm dương bình hành
Theo cho biết của Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM: Hai mặt âm dương tuy có tính đối lập, vận động và chuyển hoá không ngừng, nhưng luôn tồn tại và giữ được thế cân bằng giữa hai mặt. Bình hành là sự vận hành somh song và giữ cân bằng giữa 2 mặt âm dương. Sự mất cân bằng giữa 2 mặt âm dương sẽ gây ra tình trạng bệnh lý cho cơ thể.
Ví dụ : Trong cơ thể con người luôn phải duy trì cân bằng giữa quá trình đồng hoá và dị hoá. Nếu quá trình đồng hoá mạnh hơn dị hoá nhiều dễ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì và ngược lại.
3. Một số ứng dụng của học thuyết âm dương trong y học
Học thuyết âm dương được ứng dụng rộng rãi trong cấu tạo cơ thể, sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh. Cụ thể là:
3.1. Ứng dụng trong chẩn đoán
Dựa vào tứ chẩn – 4 phương pháp khám bệnh của y học cổ truyền: vọng, văn, vấn, thiết để khai thác các triệu chứng hư thực, hàn nhiệt, biểu lý của các tạng phủ kinh lạc.
Dựa vào chẩn đoán bát cương: dựa vào 8 cương lĩnh để chẩn đoán mức độ nông sâu, tính chất của bệnh, trạng thái và xu thể chung nhất của bệnh tật. Trong đó âm dương là 2 tổng cương bao gồm:
– Âm: lý, hư, hàn
– Dương: biểu, thực, nhiệt
Dựa vào tứ chẩn để khai thác bệnh, căn cứ vào bát cương bệnh tật được quy vào các hội chứng bệnh của các tạng phủ kinh lạc. Ví dụ như: tâm tỳ hư, can thận âm hư, tâm thận bất giao…
Học thuyết âm dương áp dụng vào phương pháp điều trị bằng điện châm
3.2. Ứng dụng trong điều trị
Nguyên tắc điều trị của y học cổ truyền bằng phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc nhằm mục đích điều hoà lại cân bằng âm dương trong cơ thể.
– Nguyên tắc điều trị:
+ Hư thì bổ, thực thì tả.
+ Bệnh thuộc hàn thì dùng phép ôn ấm, bệnh nhiệt thì dùng phép thanh.
– Trong sử dụng thuốc: Thuốc được chia làm 2 loại là âm dược và dương dược.
+ Dương dược là các vị thuốc có tính nóng, ấm dùng để điều trị bệnh hàn như: Quế, gừng…
+ Âm dược là các vị thuốc có tính lạnh, mát dùng để điều trị bệnh nhiệt như: Thạch cao, huyền sâm…
– Trong châm cứu: Chia làm 2 loại:
+ Cứu là dùng sức nóng tác động lên huyệt qua mồi ngải hay điếu ngải dùng cho bệnh nhân hàn.
+ Châm là dùng kim châm thường hay điện châm tác động lên huyệt thường dùng cho bệnh.
Sinh địa và thục địa với công dụng chữa bệnh khác nhau
3.3 Ứng dụng trong bào chế thuốc
Sử dụng các phụ liệu thay đổi tính vị và tác dụng của vị thuốc.
Ví dụ: Sinh địa tính vị hàn lượng có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết. Khi qua chế biến với phụ gia như rượu, gừng, sa nhân thành Thục địa tính ôn có tác dụng bổ huyết.
3.4. Ứng dụng trong phòng bệnh
Nguyên tắc phòng bệnh là luôn giữ gìn cân bằng âm dương trong cơ thể.
– Ví dụ:
– Trời lạnh phải mặc ấm áp, trời nóng mặc đồ thoáng mát
– Lao động và nghỉ ngơi theo chế độ sinh hoạt, hợp lý.
Nguồn: caodangyduoctphcm.com.vn
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913