Thiếu hụt dưỡng chất có thể ảnh hưởng đến nhiều quá trình quan trọng trong cơ thể và dẫn đến các loại bệnh tật. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết thiếu chất dinh dưỡng thiết yếu và cách khắc phục để bảo vệ sức khỏe của bạn.
Cơ thế thiếu chất dinh dưỡng có những dấu hiệu gì?
Theo chia sẻ từ Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, những thay đổi của cơ thể có thể là dấu hiệu cảnh báo về các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, bao gồm tình trạng thiếu hụt vitamin hoặc dưỡng chất quan trọng. Dưới đây là các dấu hiệu thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu mà bạn không nên bỏ qua:
Rụng tóc: Rụng tóc sinh lý là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu tóc rụng nhiều bất thường, như rụng từng nắm sau khi gội đầu hoặc thấy tóc rụng nhiều khi vừa thức dậy, đây có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt dưỡng chất, đặc biệt là sắt và canxi. Để chắc chắn về nguyên nhân, bạn nên đi khám và làm xét nghiệm máu để chẩn đoán và điều trị sớm nhằm hạn chế những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Cảm giác bỏng rát trong miệng: Nếu bạn cảm thấy miệng khô và tê giống như bị bỏng rát mà không ăn đồ cay, nóng, rất có thể là do thiếu hụt vitamin B. Đây là dấu hiệu bạn không nên bỏ qua, vì thiếu vitamin B có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Cơ thể luôn mệt mỏi: Làm việc quá sức, căng thẳng hoặc thiếu ngủ có thể gây mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu mệt mỏi kéo dài dù không gặp các yếu tố này, có thể cơ thể bạn đang thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là vitamin D. Vitamin D được sản xuất khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nên việc ở trong nhà quá lâu hoặc sống ở nơi ít ánh nắng cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Da và môi bị khô: Khô da môi do thời tiết là bình thường, nhưng nếu môi khô không phải vì thời tiết hanh khô, có thể bạn đang thiếu vitamin A. Thiếu vitamin này có thể làm cho da trở nên khô và môi dễ bong tróc hơn.
Nứt khóe miệng: Khô da có thể gây nứt khóe miệng và sẽ cải thiện khi dùng kem dưỡng môi. Tuy nhiên, nếu nứt khóe miệng xảy ra thường xuyên và không cải thiện dù đã dùng kem dưỡng, thậm chí có nguy cơ loét và hình thành sẹo, có thể bạn đang thiếu vitamin B hoặc sắt.
Viêm lưỡi: Đau lưỡi, sưng lưỡi hoặc mất gai lưỡi có thể do thiếu sắt và một số vitamin nhóm B, gây ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận hương vị.
Mụn trứng cá hoặc thường xuyên nổi mẩn: Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm các vấn đề về gan, mất cân bằng nội tiết, căng thẳng hoặc thói quen nặn mụn. Ngoài ra, thiếu kẽm hoặc tiêu thụ nhiều bia rượu, đồ ăn chế biến sẵn cũng có thể gây ra mụn trứng cá.
Thường xuyên xuất hiện vết bầm tím trên da: Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, thiếu vitamin C là nguyên nhân phổ biến của tình trạng này. Vitamin C giúp hình thành collagen, hỗ trợ kết nối các tế bào da. Thiếu hụt vitamin C có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện vết bầm không rõ nguyên nhân.
Chảy máu lợi và vết thương lâu lành: Thiếu vitamin C cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu lợi và vết thương khó lành, đặc biệt là ở người hay hút thuốc, phụ nữ mang thai và những người gặp vấn đề về miễn dịch.
Mất ngủ: Mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự mất cân bằng vitamin và khoáng chất trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến sức khỏe giấc ngủ.
Phương pháp cải thiện tình trạng cơ thể thiếu chất dinh dưỡng
Để cải thiện các dấu hiệu thiếu hụt dưỡng chất trong cơ thể, bạn cần lưu ý các điều sau:
Chú trọng chế độ ăn uống để bổ sung dinh dưỡng đầy đủ:
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm.
- Ngoài gạo trắng, có thể thêm khoai và ngô vào thực đơn.
- Bổ sung các nguồn đạm phong phú như cá, thịt gia cầm và ngũ cốc nguyên hạt, thay vì chỉ ăn thịt lợn.
- Người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai nên uống sữa để bổ sung canxi.
- Ăn nhiều rau và trái cây để cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho cơ thể.
- Uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày.
- Hạn chế mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, và không nên ăn quá mặn hoặc ngọt. Nên giảm uống bia và nước ngọt có gas.
- Thường xuyên vận động, tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Nếu có vấn đề sức khỏe, hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn phù hợp, giúp kiểm soát bệnh tốt và ngăn ngừa biến chứng.
Khám sức khỏe định kỳ:
Chế độ ăn lành mạnh là cần thiết, nhưng bạn cũng nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong cơ thể. Điều này giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn và chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/tin-tuc
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913