Mặc hán liên, còn được gọi là Cỏ mực, là một loại thảo dược truyền thống đã được sử dụng từ lâu ở nhiều nơi trên thế giới. Thảo dược này được dùng để chữa trị các bệnh xuất huyết, bệnh da, bệnh tim mạch vành, rụng tóc, bạch biến, rắn cắn và các bệnh liên quan đến can thận hư…
Hãy cùng Dược sĩ CKI Nguyễn Quốc Trung – Giảng viên tại Cao đẳng dược tphcm tìm hiểu thông tin qua bài viết sau đây:
1. Đặc điểm chung dược liệu
Tên gọi khác: Cây nhọ nồi, Cỏ mực, hạn liên thảo, mặc hán liên…
Tên khoa học: Eclipta prostrata – Asteraceae (họ Cúc)
1.1. Mô tả thực vật:
Cỏ mực là loại thân thảo, cao từ 40 – 80 cm, thường mọc thẳng nhưng đôi khi bò lan rồi vươn thẳng. Thân cây có màu lục hoặc đỏ tía, phình lên ở các mấu và có lông cứng xung quanh.
Lá mọc đối nhau, có lông ở cả hai mặt. Lá có hình mác, mép có khía răng rất nhỏ.
Cum Hoa của cây có màu trắng, hình đầu và thường mọc ở kẽ lá hoặc ở ngọn cành.
Cây có quả dài khoảng 2-3 mm, có ba cạnh.
Cỏ nhọ nồi còn được gọi là cỏ mực vì khi vò nát, cây chảy ra loại nước có màu đen giống như mực.
1.2. Phân bố sinh trưởng:
Cây cỏ Mặc hán liên (cỏ mực, cỏ nhọ nồi) là một loại dược thảo truyền thống nổi tiếng khắp thế giới, đặc biệt ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam, cao khoảng 60-80 cm, mọc thẳng đứng. Thân cây có màu đỏ tía hoặc màu lục và có lông.
Trong dân gian, cỏ nhọ nồi thường bị coi là một loại cỏ dại. Tuy nhiên, nó đóng vai trò quan trọng trong y học dân tộc và đã được sử dụng từ lâu để điều trị nhiều bệnh khác nhau và cầm máu rất hiệu quả. Cây này được dùng phổ biến trong y học truyền thống của người dân châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.
2. Bộ phận dùng:
Toàn cây trên mặt đất đều được sử dụng làm thuốc.
Cây có thể được dùng ở dạng tươi hoặc phơi khô để sử dụng dần.
3. Thành phần hóa học
Cỏ nhọ nồi chứa các thành phần hóa học như: tinh dầu, chất đắng, tanin, caroten và alkaloid. Ngoài ra, hoạt chất wedelolacton trong cỏ nhọ nồi đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm.
Nhiều loại hoạt chất khác nhau đã được xác định và phân lập từ cỏ mực, bao gồm triterpenes, flavonoid, thiopenes, coumestans, steroid và các dẫn xuất của chúng. Còn có coumestans được cho là thành phần nhiều nhất.
4. Tác dụng – công dụng:
Chia sẻ với sinh viên Cao đẳng dược thầy Trung cho biết:
*Theo y học hiện đại:
Các chiết xuất từ cỏ mực được chứng minh có nhiều tác dụng dược lý hứa hẹn như bảo vệ gan, xương, chống vi khuẩn và viêm, cũng như hạ huyết áp và độc tế bào. Nghiên cứu cũng chỉ ra tiềm năng của cỏ mực trong điều trị các bệnh khó chữa như ung thư, suy giảm trí nhớ và tiểu đường, được hỗ trợ bởi cả cách sử dụng truyền thống và nghiên cứu dược lý hiện đại.
4.1. Tác dụng bảo vệ thần kinh
Cỏ mực đã được nghiên cứu về tác dụng trên hệ thần kinh thông qua các mô hình động vật. Flavonoid luteolin trong cỏ mực có tác dụng chống co giật, đề xuất điều trị động kinh và có lợi cho các rối loạn phổ tự kỷ, Alzheimer, Parkinson, chấn thương sọ não và suy giảm nhận thức liên quan đến tiểu đường.
Chiết xuất cỏ mực cũng giúp chống thiếu máu cục bộ não ở chuột và tăng cường khả năng chống oxy hóa. Nghiên cứu cho thấy chiết xuất cỏ mực có thể ức chế bệnh Alzheimer bằng cách ức chế enzyme acetylcholinesterase.
4.2. Tác dụng kháng khuẩn
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thảo dược này có khả năng ức chế một số loại vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn bạch hầu, Bacillus anthracis, Bacillus subtilis. Trên nhóm chuột nhiễm trùng, chiết xuất cỏ nhọ nồi đã cải thiện quá trình điều trị và giảm nhiễm khuẩn ở nồng độ 20mg/ml.
Các thành phần hóa học trong cỏ nhọ nồi cũng cho thấy hoạt động chống lại nhiều loại vi khuẩn khác nhau như Escherichia coli, Shigella dysenteriae, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus cholermidis, Salmonella typhi, Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae và Bacillus subtilis, đặc biệt là các chiết xuất ethanol và ethyl acetate có hiệu quả kháng khuẩn cao nhất.
Cỏ nhọ nồi cũng có tác dụng chống lại virus viêm gan B, HIV và có tính kháng nấm, chống lại ký sinh trùng sốt rét.
4.3. Tính chất chống oxy hóa
Cỏ mực có khả năng chống oxy hóa trong các dung dịch chiết xuất khác nhau, được đánh giá bằng nhiều phương pháp như FRAP, loại bỏ gốc tự do, khử và xét nghiệm DPPH.
Trong một nghiên cứu, các chiết xuất từ cỏ nhọ nồi ở các nồng độ khác nhau đã thể hiện hoạt động chống oxy hóa, đặc biệt là polyphenol, flavonoid và flavanone.
4.4. Tác dụng chống viêm, giảm đau
Hoạt động chống viêm và giảm đau của cỏ mực được báo cáo là do các hợp chất coumarin. Nghiên cứu trên chuột bạch tạng đã chứng minh rằng chiết xuất cỏ nhọ nồi giảm đau hiệu quả trong các mô hình thử nghiệm tiêu chuẩn như phương pháp kẹp đuôi và phản ứng quằn quại do axit axetic gây ra. hoạt chất Wedelolactone trong cây có khả năng ức chế quá trình sinh các yếu tố tiền viêm, như cytokine TNF, IL-6, IL12p40, từ đó giảm quá trình viêm trong cơ thể.
4.5. Tác dụng bảo vệ gan
Chiết xuất từ cỏ mực đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ gan trong thí nghiệm trên chuột. Thảo dược này giúp giảm tổn thương gan ở mức tế bào, đặc biệt trong điều kiện viêm và tổn thương gan. Cây có khả năng bảo vệ gan do carbon tetrachloride gây ra, bằng cách giảm hoại tử trung tâm tiểu thùy, giảm thoái hóa nước và thay đổi chất béo trong tế bào gan.
4.6. Tác dụng bảo vệ và chữa bệnh thận
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất cỏ nhọ nồi có tác dụng bảo vệ thận khỏi độc tính của cisplatin, một chất liệu phòng ngừa và điều trị ung thư có thể gây ra. Trong thực hành lâm sàng của Y học cổ truyền Trung Quốc, cỏ nhọ nồi thường được kê đơn kết hợp với glucocorticoid để chữa trị viêm thận cầu thận, chứng thận hư và bệnh thận IgA. Cỏ nhọ nồi không chỉ cải thiện hiệu quả điều trị mà còn giúp giảm phản ứng phụ của glucocorticoid và ngăn ngừa bệnh tái phát.
4.7. Hoạt động điều hòa miễn dịch
Nghiên cứu cho thấy chiết xuất methanol từ cỏ nhọ nồi có hoạt động điều hòa miễn dịch. Wedelolactone và demethylwedelolactone, hai hợp chất phân lập từ cỏ nhọ nồi, có khả năng ức chế trypsin trong ống nghiệm với giá trị IC50 lần lượt là 2,9 và 3,0 μg/ml.
4.8. Đặc tính chống nọc độc
Các thành phần hóa học từ cỏ nhọ nồi đã được chứng minh là hiệu quả trong việc chống lại nọc độc từ rắn cắn ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
4.9. Thúc đẩy tăng trưởng tóc
Cỏ mực từ lâu đã được sử dụng trong y học dân gian để điều trị rụng tóc và làm đen tóc. β-sitosterol có trong cỏ nhọ nồi giúp ngăn chặn rụng tóc và kích thích sự phát triển của tóc, đặc biệt hiệu quả trong trường hợp rụng tóc do vấn đề nội tiết tố nam.
4.10. Tác dụng cầm máu
Nước sắc từ cỏ mực khô có tác dụng làm giảm thời gian Quick ro rệt, tức là làm tăng tỷ lệ prothrombin toàn phần. Cỏ mực cũng có tác dụng tương tự như vitamin K trong việc chống lại tác động của dicumarin.
Trong y học dân gian, cỏ nhọ nồi thường được sử dụng để điều trị các trường hợp xuất huyết, như ho ra máu, chảy máu cam, v.v. Cỏ nhọ nồi cũng có tác dụng cầm máu bằng cách tăng tổng lượng prothrombin, tương tự như vitamin K. Hoạt động cầm máu của cỏ nhọ nồi tương đương với 1,33 mg vitamin K trong 1g bột nhọ nồi khô.
Ngoài ra, nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy cỏ mực có hoạt tính chống ung thư.
* Theo y học truyền thống
Theo y học truyền thống, cỏ mực đã được sử dụng từ hàng nghìn năm ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ.
Theo quan niệm y học cổ truyền, cỏ mực có vị ngọt, chua, tính lương (mát), và quy các kinh can, thận.
Dược điển Trung Quốc ghi nhận rằng cỏ mực có tác dụng bổ can thận và được sử dụng để điều trị các vấn đề liên quan đến can thận cũng như là một loại thuốc bổ và lợi tiểu.
Ở Ấn Độ và Bangladesh, cỏ mực được sử dụng trong chữa trị các bệnh ngoài da, dị ứng, rối loạn hô hấp, vàng da, tiểu đường, rụng tóc, mệt mỏi và sốt.
Ở Thái Lan, lá, thân và rễ của cây cỏ mực được sử dụng để điều trị các bệnh khác nhau như bệnh ngoài da, rụng tóc, bổ máu, điều trị lao và hen suyễn.
Ở Brazil, cũng được sử dụng để điều trị các bệnh như rắn cắn, bệnh phong và bệnh giang mai.
5. Một số Bài thuốc chứa Cỏ nhọ nồi
5.1. Thuốc cầm máu
Dùng nhọ nồi khô 12g hoặc 30 – 50g tươi, sắc uống.
Có thể sử dụng riêng hoặc kết hợp với ngó sen, lá trắc bá, bách hợp.
Viên cỏ mực – cóc kèn: hỗn hợp cao lỏng cỏ mực và bột mịn lá cóc kèn theo tỉ lệ 1:2, tá dược vừa đủ để tạo viên nén 200mg.
Uống 3 lần/ngày, mỗi lần 5g.
5.2. Chữa sốt xuất huyết
Dung nhọ nồi và rau má tươi (hoặc mần trầu) mỗi vị 30g, bông mã đề tươi 20g
Đem sắc uống điều trị sốt xuất huyết.
5.3. Chữa chứng đau sưng người lớn, trẻ em:
Dùng nhọ nồi, lá xương sông, lá huyết dụ, lá khế, rau diếp cá, lá dưa chuột, lá nhài, lá cải trời.
Thêm nước vào đem giã nát, vắt lấy nước uống, bã dùng đắp vào chỗ sưng.
5.4. Chữa thấp khớp:
Sử dụng nhọ nồi, rễ cỏ xước, hy thiêm, thổ phục linh, ngải cứu, thương nhĩ tử.
Đem Sao vàng, rồi sắc đặc với nước, Uống một thang/ngày, trong 7 – 10 ngày liền.
Hoặc sử dụng nhọ nồi, vòi voi, củ bồ bồ, rễ nhàu.
Tán nhỏ làm hoàn to bằng hạt tiêu. uống 20 viên hoàn/lần, 3 lần/ngày.
5.5. Chữa tưa lưỡi ở trẻ em:
Sử dụng nhọ nồi tươi, hẹ.
Đem rửa sạch, rồi giã nhỏ các dược liệu, vắt lấy nước cốt.
Hòa cùng 1 ít mật ong, trộn đều chấm thuốc vào lưỡi, cách 2 giờ / lần.
5.6. Chữa ho do viêm họng, viêm amidan cấp:
Sử dụng nhọ nồi tươi, sắc uống mỗi ngày 1 thang, trong 3 ngày.
5.7. Chữa lỵ:
Sử dụng nhọ nồi tươi, lá mơ lông.
Sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày.
Hoặc sử dụng nhọ nồi, mã đề tươi, rau má.
Sắc cô đặc lại uống, uống trong ngày chia ra nhiều lần.
5.8. Chữa rối loạn kinh nguyệt:
Sử dụng nhọ nồi tươi, rau má tươi, sinh địa, ích mẫu, củ gấu, quả dành dành, ngưu tất.
Sắc uống ngày một thang.
5.9. Chữa rong huyết:
Sử dụng nhọ nồi, đảng sâm, thục địa, cỏ nến, hương phụ, bạch truật, xuyên khung, chỉ xác.
Sắc uống ngày một thang.
5.10. Chữa di mộng tinh:
Sử dụng nhọ nồi sấy khô tán nhỏ, uống mỗi lần 8g với nước cơm, hoặc sắc 30g uống.
5.11. Chữa sỏi thận, tiểu tiện ra máu:
Sử dụng cỏ mực, cỏ Mã đề (Xa tiền thảo), đường trắng.
Sắc lấy nước uống hàng ngày, liên tục trong 20 ngày.
5.12. Cây thuốc chữa bệnh viêm xoang:
Sử dụng cỏ mực phơi khô, dùng 12-20g
Đem sắc lấy nước hoặc 30-35g cây tươi ép lấy nước để uống mỗi ngày.
6. Những lưu ý khi sử dụng
Khi sử dụng cỏ mực, cần lưu ý những điều sau đây:
– Liều lượng thông thường là từ 8 đến 16g theo y học cổ truyền.
– Không nên sử dụng người có tỳ vị hư hàn, tiêu chảy, đầy bụng, hoặc âm hư không có nhiệt.
– Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nên sử dụng lá cỏ mực để đắp, hạn chế uống và đảm bảo vệ sinh vô trùng.
– Người suy thận, suy gan không nên tự ý sử dụng cỏ mực mà không được tư vấn của bác sĩ.
– Phụ nữ mang thai không nên sử dụng cỏ mực vì có thể gây sảy thai.
Tóm lại, Cỏ nhọ nồi là một loại thảo dược tự nhiên có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, việc sử dụng cỏ nhọ nồi cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng. Trước khi sử dụng cỏ nhọ nồi để điều trị bệnh, việc tham khảo ý kiến của bác sĩ là quan trọng. Bác sĩ có thể tư vấn về liều lượng và cách sử dụng phù hợp nhất dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi người. Thăm khám cũng giúp xác định rõ tình trạng bệnh và chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp nhất./.
DsCKI. Nguyễn Quốc Trung
Nguồn: Tin tức – trường Cao đẳng Y Dược Pasteur
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913