Viêm nang tóc là tình trạng viêm nhiễm ở nang tóc trên da đầu, gây ra ngứa ngáy, rụng tóc, và nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến sẹo và hói vĩnh viễn. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết dưới đây.
Viêm nang tóc do nguyên nhân nào?
Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, các nguyên nhân gây viêm nang tóc bao gồm:
- Sự xâm nhập của vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc vi nấm.
- Môi trường ô nhiễm: Các yếu tố như bụi bẩn, khói, và nguồn nước ô nhiễm tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh. Đặc biệt, những người có hệ miễn dịch suy giảm có nguy cơ mắc bệnh viêm nang tóc cao hơn.
- Vệ sinh da đầu kém: Khi da đầu hoặc các vùng da khác không được làm sạch đúng cách, bụi bẩn và mồ hôi có thể tích tụ, tắc nghẽn nang tóc và gây viêm.
- Các thói quen không đúng như gội đầu, nhổ tóc không đúng cách làm tổn thương nang tóc, gia tăng nguy cơ viêm.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc chứa hóa chất kích ứng da.
Dấu hiệu khi bị viêm nang tóc
Nang tóc xuất hiện mụn tấy đỏ, có thể nổi gồ lên hoặc mụn mủ có đầu màu trắng hoặc vàng, xung quanh là vùng da đỏ viêm. Các mụn mủ thường mọc rải rác trên da đầu, tập trung chủ yếu ở sau gáy và thái dương.
Vùng da bị viêm nang tóc thường xuyên ngứa, đặc biệt khi vi khuẩn hoặc vi nấm phát triển mạnh.
Nang tóc bị tổn thương có thể gây rụng tóc, thậm chí dẫn đến hói ở khu vực bị viêm.
Biến chứng có thể có khi bị viêm nang tóc
Viêm nang tóc không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng:
- Xuất hiện các ổ mủ lớn trên da đầu.
- Hói đầu và sẹo vĩnh viễn trên da đầu.
- Viêm mô tế bào.
- Nhiễm trùng da đầu mạn tính.
Điều trị viêm nang tóc tại nhà như thế nào?
Sử dụng nước muối ấm
Nước muối ấm có tác dụng sát khuẩn và làm sạch vùng da bị viêm. Khi phát hiện dấu hiệu viêm nhiễm, hãy pha nước muối ấm, nhúng khăn bông mềm vào và đắp lên vùng da bị viêm trong khoảng 10 – 15 phút. Nên thực hiện 2 lần mỗi ngày để giảm viêm, sát khuẩn và giảm đau.
Tránh chà xát vùng bị viêm để không gây kích ứng. Sau khi sát khuẩn, bôi dung dịch sát khuẩn 2 lần/ngày (ví dụ: Povidone – iodine 10%) và kết hợp với kháng sinh bôi tại chỗ theo chỉ định của bác sĩ.
Dùng tinh dầu tràm trà
Cô Nguyễn Thị Trúc Li – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, tinh dầu tràm trà có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm mạnh, giúp ngừng sự phát triển của vi khuẩn và vi nấm gây viêm nang tóc. Bạn có thể pha vài giọt tinh dầu tràm trà vào nước ấm, sau đó thoa đều lên vùng da bị viêm. Tuyệt đối không thoa tinh dầu nguyên chất lên da vì có thể gây kích ứng.
Can thiệp y khoa tình trạng viêm nang tóc
Điều trị bằng thuốc
- Thuốc kháng sinh: Dùng khi viêm nang tóc do vi khuẩn. Có thể là thuốc uống (7 – 14 ngày) hoặc kem bôi để tiêu diệt vi khuẩn tại chỗ.
- Thuốc kháng nấm: Sử dụng khi nguyên nhân là nấm. Dạng uống ngừng sự phát triển của vi nấm, hoặc dạng bôi giảm viêm và ngứa.
- Thuốc Corticosteroid: Dùng trong trường hợp viêm nặng, giúp giảm viêm và đau, có thể là dạng bôi (1 lần/ngày) hoặc đường uống (3 – 5 ngày).
Liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng (laser) giúp tiêu diệt vi khuẩn và nấm khi viêm nghiêm trọng hoặc không đáp ứng điều trị khác.
Phẫu thuật dẫn lưu mủ
Dùng khi viêm nang tóc nặng, có mủ, giúp ngăn nhiễm trùng lan rộng và thúc đẩy hồi phục da đầu.
Phòng ngừa tình trạng viêm nang tóc như thế nào?
Tránh sử dụng sản phẩm gây kích ứng
Các sản phẩm chứa hóa chất mạnh có thể làm tổn thương da đầu và làm tăng nguy cơ viêm nang tóc. Vì vậy, hãy chọn sản phẩm chăm sóc tóc có thành phần dịu nhẹ, không chứa paraben và sulfate để bảo vệ da đầu.
Giữ vệ sinh da đầu
Đảm bảo da đầu luôn sạch sẽ và khô thoáng là yếu tố quan trọng để phòng ngừa viêm nang tóc. Hãy gội đầu đều đặn và tránh để nang tóc bị tắc nghẽn bởi mồ hôi, bụi bẩn.
Tránh gãi mạnh
Khi da đầu ngứa, gãi là phản ứng tự nhiên, nhưng gãi mạnh có thể làm tổn thương da đầu và nang tóc. Nếu ngứa, hãy gội sạch và dùng kem dưỡng để làm dịu da đầu.
Việc phát hiện viêm nang tóc sớm giúp điều trị hiệu quả và ngăn ngừa tổn thương nghiêm trọng. Nếu có triệu chứng như sưng đỏ, ngứa, đau,… trên da đầu, hãy đến bác sĩ Da liễu để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913