Tin Tức

Những điều cần biết khi chăm sóc cho người bị động kinh

Động kinh là bệnh lý không hiếm gặp. Người bị động kinh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Qua bài viết sau, hãy cùng tìm hiểu về những lưu ý khi chăm sóc cho người bị động kinh nhé.

Cần xử lý đúng khi bệnh nhân lên cơn động kinh

Động kinh là bệnh lý không hiếm gặp. Người bị động kinh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Nếu được chữa trị, phục hồi đúng, bệnh nhân sẽ có một cuộc sống như người bình thường. Qua bài viết sau, chúng ta hãy cùng Ban tuyển sinh Cao đẳng Y Dược TPHCM – Trường Cao đẳng Y dược Pasteur tìm hiểu về những lưu ý khi chăm sóc cho người bị động kinh.

1. Định nghĩa

Động kinh là những cơn co giật ngắn, định kỳ, khởi phát đột ngột, có xu hướng tái phát theo chu kỳ, khi lên cơn có thể không kiểm soát được. Tỷ lệ động kinh: cứ 1.000 người thì có khoảng 5-8 người bị động kinh.

2. Nguyên nhân

– Bẩm sinh: Thiểu năng tâm thần di truyền, não không phát triển, nang trong não, teo não,…

– Viêm nhiễm: Viêm não, viêm màng não, ký sinh trùng trong não, viêm màng nhện, abses não, thấp khớp cấp…

– Chấn thương não: Xảy ra trong khi sinh hoặc sau khi sinh (do tai nạn giao thông, tai nạn lao động…).

– Bệnh mạch máu: xơ cứng mạch máu não, co thắt mạch máu não, phồng mạch máu não,…

– U não.

– Những rối loạn chuyển hóa khác.

– Nhiễm độc: Botulism, nhiễm độc rượu, ngộ độc thuỷ ngân, ngộ độc long não,…

3. Cách phát hiện

– Biểu hiện của cơn động kinh thực sự: Bệnh nhân có thể ngã xuống đất bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào ngay cả khi đang ngủ, co giật tay chân nhịp nhàng, mắt trợn ngược, có thể sùi bọt mép và đại tiểu tiện trong cơn. Cơn động kinh nặng có thể có hôn mê.

– Một cơn động kinh điển hình thường trải qua 4 giai đoạn sau:

+ Tiền triệu (các triệu chứng báo trước)

+ Giai đoạn tăng trương lực cơ.

+ Giai đoạn co giật

+ Giai đoạn duỗi cơ.

3.1. Các dạng động kinh thường gặp

3.1.1. Động kinh cơn lớn:

– Tiền triệu:

+ Tính tình thay đổi: vui, buồn, vô cảm,…

+ Đau đầu, ngủ không ngon giấc,…

+ Có thể ăn nhiều, tiểu nhiều, ho…

+ Có thể rối loạn tiêu hóa.

+ Có thể kích thích hoặc thờ ơ.

+ Các cử động bất thường.

+ Mắt đảo ngược, mồm kêu lên.

+ Có người không có triệu chứng báo trước nào mà lên cơn ngay.

– Giai đoạn co giật: Giật tứ chi và những phần khác nhau của cơ thể, tiêu tiểu không tự chủ, mất ý thức.

– Giai đoạn duỗi cơ: Các cơ thư giãn hoàn toàn, cơ thể mềm nhũn, người động kinh ngủ dài. Khi tỉnh lại, bệnh nhân không nhớ những gì đã xảy ra. Ý thức có thể u ám, có thể kích động hoặc làm điều phi pháp.

3.1.2. Động kinh cơn nhỏ:

Người động kinh mất ý thức hoàn toàn, đột ngột ngừng hoạt động và nhìn lơ đãng vào một khoảng không, làm rơi vật đang giữ trong tay. Có thể có một nhóm cơ bị co thắt và rung giật mí mắt.

3.1.3. Động kinh cục bộ:

Cơn co giật bắt đầu từ một cơ hay một nhóm cơ nhất định, về sau lan rộng ra từ từ cũng theo một quy luật nhất định. Cơn co giật có thể bắt đầu từ ngón tay cái hay ngón chân cái, sau lan dần ra toàn bộ cơ thể. Có thể bắt đầu bằng rối loạn cảm giác như tê lạnh, đau buốt một vùng nào đó, sau đó lan ra giống như cơn động kinh cục bộ. Động kinh cục bộ thường không gây mất ý thức.

3.1.4. Động kinh tâm thần vận động:

Bao gồm các triệu chứng khác nhau như ảo giác, khứu giác, vị giác, thính giác. Rối loạn thần kinh thực vật như tim đập nhanh từng cơn,… Đau ngực, đau bụng, lo lắng, bàng hoàng, sợ hãi, làm những động tác vô duyên cớ, có những hành vi bất thường. Sau khi làm xong, bệnh nhân không còn nhớ gì nữa.

3.1.5. Đặc điểm động kinh trẻ em:

Theo GV Cao đẳng Y Dược TPHCM: Động kinh trẻ em tương đối khó chẩn đoán vì ít khi bắt đầu bằng những cơn co giật điển hình mà thường là những cơn nhỏ. Biểu hiện bằng những cơn sợ hãi đột ngột, giật mình, những hành vi bất thường lặp đi lặp lại. Động kinh trẻ em thường dẫn đến giảm phát triển trí tuệ, biến đổi nhân cách,…

– Cơn động kinh nhẹ: Trẻ đột nhiên ngưng hoạt động, mắt trừng trừng.

– Cơn nặng: Trẻ lăn đùng xuống đất, kêu một tiếng lạ lùng, sau đó co toàn thân rồi cơ thể mềm nhũn.

Những triệu chứng thường gặp của một cơn động kinh

3.2. Diễn biến động kinh

– Tần số các cơn động kinh thay đổi khác nhau ở từng người. Có thể 2, 3 cơn trong một ngày, một cơn trong một tuần, một tháng hoặc một năm.

– Một số người động kinh suốt đời có thể kiểm soát được bằng thuốc.

– Một số người lên cơn động kinh liên tục, kế tiếp nhau. Cơn nặng gây co giật mạnh có thể dẫn đến phù não, rối loạn nhịp thở, trụy mạch và có thể dẫn đến tử vong.

– Người bị động kinh nếu được dùng thuốc đầy đủ, đúng liều lượng và thời gian quy định, có chế độ sinh hoạt hợp lý và được phục hồi chức năng một cách toàn diện có thể sống và làm việc như người bình thường.

4. Cách xử trí và chăm sóc

4.1. Xử trí người lên cơn động kinh

– Đưa bệnh nhân vào một nơi an toàn.

– Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, tránh nuốt phải đờm rãi trong cơn co giật.

– Nới rộng quần áo.

– Không ngăn cản các động tác lên cơn của bệnh nhân.

– Đặt một cái thìa hay cuộn khăn tròn ngang miệng để người bệnh không cắn vào lưỡi của mình.

– Loại bỏ các đồ vật xung quanh có thể làm bệnh nhân bị thương.

– Tránh tập trung đông người xung quanh bệnh nhân.

– Sau cơn bệnh nhân thường ngủ. Hãy để bệnh nhân ngủ yên.

– Hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc nếu họ bị đau đầu. Thuốc kháng động kinh phải sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ.

4.2. Xử trí ngoài cơn động kinh

4.2.1. Dùng thuốc chống động kinh:

Nguyên tắc dùng thuốc:

+ Uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng thời gian quy định.

+ Không được tự động ngưng thuốc.

+ Nếu người động kinh không biết chữ, phải hướng dẫn bằng hình vẽ và giải thích cặn kẽ cho họ hiểu.

+ Đảm bảo không thiếu thuốc.

+ Thuốc phải được bảo quản tốt để tránh ẩm mốc và để ở những vị trí mà bệnh nhân không thể với tới được. Lọ thuốc phải ghi rõ tên để tránh nhầm lẫn.

+ Nếu người động kinh sau khi dùng thuốc mà bị kích thích hoặc thiếp đi phải báo cho cán bộ y tế biết. Cán bộ y tế phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ việc sử dụng thuốc và tiến triển cơn động kinh của bệnh nhân.

Luôn theo dõi và hướng dẫn người bị động kinh sử dụng thuốc đúng cách

4.2.2. Đảm bảo an toàn cho người động kinh:

+ Nên cho người động kinh đeo thẻ ghi tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại người thân
+ Nhà ở phải bố trí đơn giản, gọn gàng đề phòng nguy cơ bị thương khi bệnh nhân lên cơn động kinh.

+ Không để người động kinh làm việc ở nơi có nước sâu, tắm biển, ao hồ một mình. Không để họ leo trèo, làm việc trên cao. Không để họ lái xe, không đến gần khu vực bếp lửa.

+ Nên cho người động kinh đội mủ bảo hiểm để tránh chấn thương đầu do va đập khi lên cơn động kinh.

+ Tạo điều kiện việc làm và giúp họ hòa nhập xã hội.

Nguồn: caodangyduoctphcm.com.vn

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh

Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295

Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *