Đau bụng khi đói thường xảy ra khi dạ dày không có thức ăn để tiêu hóa. Đồng thời, nó cũng có thể là dấu hiệu của một số vấn đề về tiêu hóa. Hãy đồng hành cùng chúng tôi để tìm hiểu chi tiết về hiện tượng này trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân nào gây ra đau bụng khi đói?
Theo các Dược sĩ Cao đẳng Dược TPHCM, khi dạ dày trống rỗng, hormone ghrelin (hormone đói) được sản xuất để tạo cảm giác đói. Dạ dày cũng tiết ra acid dịch vị để chuẩn bị tiêu hóa thức ăn. Trong trường hợp bạn không ăn và dạ dày trống rỗng, acid dịch vị có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến đau bụng khi đói. Đây thường là một phản ứng tự nhiên khi dạ dày trống rỗng và không có thức ăn.
Tuy nhiên, nếu đau bụng khi đói của bạn kéo dài, cực kỳ đau đớn, hoặc có triệu chứng như quặn thắt, đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề bệnh lý ở đường tiêu hóa, bao gồm:
- Loét dạ dày tá tràng: Tình trạng này là khi niêm mạc dạ dày và tá tràng bị tổn thương. Biểu hiện của bệnh có thể bao gồm cảm giác nóng rát dạ dày, đau bụng cực kỳ khi đói, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, ợ nóng hoặc ợ hơi.
- Viêm dạ dày: Người bị viêm dạ dày thường gặp đau bụng có thể là quặn thắt hoặc đau châm chích khi đói. Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn,…
- Hội chứng ruột kích thích (IBS): Ở người mắc IBS, đau bụng có thể xảy ra khi dạ dày trống rỗng, đặc biệt là vào buổi sáng. Cùng với đó, cũng có thể gặp tình trạng đầy bụng, thường xuyên táo bón hoặc tiêu chảy,…
Cách phòng ngừa tình trạng đau bụng khi đói?
Theo Thầy Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, để tránh tình trạng đau bụng khi đói, dưới đây là một số biện pháp bạn có thể tham khảo:
- Tuân thủ lịch trình ăn uống: Thường xuyên bỏ bữa và để dạ dày trống rỗng có thể gây ra các vấn đề liên quan đến tiêu hóa. Vì vậy, hãy duy trì việc ăn uống đúng giờ mỗi ngày để cung cấp thức ăn cho dạ dày kịp thời và tránh tình trạng đau bụng do acid dịch vị tác động lên niêm mạc dạ dày.
- Thay đổi thói quen ăn uống: Hãy ăn chậm và nhai kỹ thức ăn, tập trung vào việc ăn mà không làm việc khác như xem TV hoặc nói chuyện.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Ưu tiên ăn uống cân đối và đa dạng để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và duy trì hoạt động tiêu hóa tốt. Hãy bao gồm rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa và natri trong khẩu phần hàng ngày.
- Uống đủ nước: Hãy đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể hàng ngày và hạn chế uống các loại đồ uống có ga, rượu và bia.
- Giảm căng thẳng và áp lực: Thư giãn tinh thần và tránh căng thẳng có thể giúp giảm nguy cơ đau dạ dày.
- Đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng: Ngủ đủ giấc và có chất lượng giấc ngủ tốt giúp cải thiện sự điều tiết của hormone liên quan đến cảm giác đói, từ đó giúp giảm nguy cơ đau bụng khi đói.
Khi nào nên đi gặp bác sĩ nếu gặp tình trạng đau bụng khi đói?
Thông thường, đau bụng khi đói thường chỉ xuất hiện và tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài liên tục từ 1 đến 2 tuần hoặc kèm theo các triệu chứng khác không bình thường như buồn nôn, phân có máu, mệt mỏi, kiệt sức, hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân, thì không nên tự y áp dụng phương pháp tự điều trị bằng thuốc tại nhà. Trong trường hợp này, việc tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng, bởi tình trạng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề bệnh lý nào đó ở đường tiêu hóa.
Để xác định nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của bạn một cách chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàng và có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán như nội soi dạ dày và đại tràng, X-quang bụng, siêu âm ổ bụng, CT scanner, MRI, và các phương tiện chẩn đoán khác. Dựa trên kết quả của các xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đề xuất phương hướng điều trị phù hợp nhất cho tình trạng của bạn.
Đau bụng khi đói có thể là một phản ứng tự nhiên của cơ thể, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề bệnh lý nghiêm trọng về đường tiêu hóa. Vì vậy, đừng lơ là và chủ quan khi gặp phải tình trạng này, hãy luôn quan sát các biểu hiện bất thường của cơ thể và tìm kiếm sự giúp đỡ y tế khi cần thiết.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913