Virus cúm là tác nhân gây bệnh cúm, với nhiều chủng khác nhau và khả năng biến đổi liên tục, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch và gây khó khăn trong việc điều trị, phòng ngừa. Dưới đây là thông tin về các loại virus cúm và những lưu ý quan trọng giúp bạn phòng bệnh hiệu quả.

Tìm hiểu về các loại virus cúm
Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, virus cúm có dạng hình cầu và thuộc họ Orthomyxoviridae. Cấu trúc của virus bao gồm ba lớp chính: lớp vỏ ngoài cùng, vỏ capsid và lớp lõi. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus dễ dàng bám vào lớp niêm mạc của đường hô hấp. Sau đó, chúng tiết ra một loại enzyme có tên Noraminidaza, giúp phá vỡ tế bào chủ để thoát ra ngoài và tiếp tục tấn công sang các tế bào khác trong cơ thể.
Điều đáng lo ngại là virus cúm có khả năng liên tục biến đổi, tạo ra những biến thể mới, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch và gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người bệnh. Không những vậy, virus cúm còn dễ dàng phát tán qua đường hô hấp khi người bệnh trò chuyện, ho hoặc hắt hơi, khiến bệnh lây lan nhanh chóng sang người khác.
Hiện nay, virus cúm được phân thành bốn loại chính: cúm A, cúm B, cúm C và cúm D. Trong đó, virus cúm D ít gặp hơn so với các loại còn lại.
- Virus cúm A: Loại virus này có thể ảnh hưởng đến cả người và động vật, đồng thời có khả năng tạo ra nhiều biến thể nhất. Trên thực tế, virus cúm A chính là nguyên nhân của nhiều đợt đại dịch nguy hiểm, điển hình như dịch cúm H5N1, cúm H1N1,…
- Virus cúm B: So với cúm A, virus cúm B ít gây ra biến chứng nghiêm trọng hơn. Dù cũng có khả năng biến đổi và tạo ra các biến thể mới, nhưng tốc độ đột biến của virus cúm B thường chậm hơn. Mức độ lây lan và nguy cơ bùng phát dịch do cúm B còn tùy thuộc vào điều kiện địa lý và môi trường.
- Virus cúm C: Đây là loại virus ít gặp hơn so với cúm A và cúm B. Đồng thời, người nhiễm virus cúm C thường không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, và đến nay chưa ghi nhận các đợt dịch lớn do loại virus này gây ra.
- Virus cúm D: Khác với các loại cúm trên, virus cúm D chỉ ảnh hưởng đến gia súc và không phải là tác nhân gây bệnh cúm ở người.
Virus cúm lây lan bằng con đường nào?
Virus cúm có thể lây từ người bệnh sang người khỏe qua các con đường sau:
- Tiếp xúc trực tiếp: Trò chuyện ở khoảng cách gần, đặc biệt khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, virus theo giọt bắn trong không khí xâm nhập vào miệng, mũi của bạn, dẫn đến lây nhiễm.
- Tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus: Chạm vào tay nắm cửa, điện thoại, bàn làm việc,… có chứa virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng sẽ tạo điều kiện cho virus xâm nhập.
- Dùng chung đồ cá nhân: Tiếp xúc với dịch tiết từ người bệnh qua vật dụng như khăn mặt, ly uống nước, hoặc chạm tay vào vùng mắt, mũi, miệng cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm.
Các triệu chứng khi mắc virus cúm

Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cũng cho biết thêm, khi virus cúm mới xâm nhập, người bệnh thường chưa có triệu chứng rõ ràng. Giai đoạn ủ bệnh kéo dài khoảng 1 – 4 ngày.
Sau đó, các triệu chứng điển hình bắt đầu xuất hiện, bao gồm:
- Sốt
- Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hụt hơi
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi
- Đau họng, đau mắt
- Trẻ nhỏ có thể bị nôn, tiêu chảy
Hầu hết các trường hợp cúm có thể tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu bệnh diễn tiến nghiêm trọng, cần đi cấp cứu ngay khi có dấu hiệu:
- Khó thở, thở ngắn
- Chóng mặt liên tục
- Co giật
- Suy nhược nghiêm trọng
- Đau ngực
- Môi, móng tay chân chuyển màu xanh, xám
- Mất nước nghiêm trọng
- Rối loạn các chỉ số như huyết áp, nhịp tim, thân nhiệt
Nếu không điều trị kịp thời, cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, nhiễm trùng, suy giảm miễn dịch, viêm xoang, sảy thai hoặc tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
Phương pháp phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
- Tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người hoặc đến nơi công cộng.
- Hạn chế tiếp xúc gần với người có dấu hiệu cúm, đặc biệt khi họ đang sốt.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng để giảm nguy cơ virus xâm nhập.
- Đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh hoặc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng.
- Ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên để cơ thể khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913