Nhiều người cho rằng đau dạ dày chủ yếu do thói quen ăn uống không điều độ, sử dụng thực phẩm không lành mạnh hoặc nhiễm vi khuẩn HP. Tuy nhiên, căng thẳng (stress) cũng là một nguyên nhân phổ biến nhưng ít được chú ý. Vậy làm sao để nhận biết và cải thiện tình trạng đau dạ dày do stress?

Vì sao đau dạ dày có thể do stress?
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, stress là trạng thái căng thẳng của hệ thần kinh, thường xuất phát từ áp lực công việc, cuộc sống hoặc những thay đổi về sức khỏe như dậy thì, tiền mãn kinh hay mắc bệnh mãn tính. Khi cơ thể rơi vào tình trạng stress kéo dài, không chỉ gây mệt mỏi, kiệt sức mà còn là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau dạ dày.
Điều này xảy ra do mối liên hệ chặt chẽ giữa hệ thần kinh trung ương và hệ tiêu hóa. Trong trạng thái bình thường, các hoạt động của dạ dày và hệ tiêu hóa được hệ thần kinh điều chỉnh. Tuy nhiên, khi căng thẳng kéo dài, hệ thần kinh kích thích nhu động ruột và làm tăng tiết acid dạ dày ngay cả khi không có thức ăn, khiến acid tác động trực tiếp lên niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và đau đớn.
Các triệu chứng của đau dạ dày do stress
Ở giai đoạn đầu, đau dạ dày do stress thường có các dấu hiệu như:
- Đau vùng thượng vị.
- Cảm giác nóng rát ở giữa bụng, ngay dưới xương sườn.
- Khó tiêu, đầy hơi, ợ chua.
- Ăn không ngon miệng, chán ăn.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón.
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này thường tỉ lệ thuận với mức độ căng thẳng của cơ thể. Khi stress kéo dài, bệnh có thể tiến triển nặng hơn và làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí ung thư dạ dày.
Ngoài các vấn đề liên quan đến dạ dày, người bị stress thường xuyên có thể gặp thêm các triệu chứng khác như:
- Cơ thể suy nhược, mệt mỏi kéo dài.
- Cảm giác lo lắng, hồi hộp liên tục.
- Khó ngủ hoặc mất ngủ.
- Đau đầu, chóng mặt khi suy nghĩ nhiều.
- Khó thở, đau tức ngực.
Phương pháp cải thiện đau dạ dày do stress

Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cũng cho biết thêm, đau dạ dày, dù do bất kỳ nguyên nhân nào, đều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Các triệu chứng không chỉ gây khó chịu, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành đau dạ dày mạn tính với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Điều trị đau dạ dày do stress cần kết hợp sử dụng thuốc và điều chỉnh thói quen sinh hoạt nhằm giảm căng thẳng thần kinh, từ đó cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa tái phát. Một số biện pháp quan trọng bao gồm:
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn có vai trò quan trọng đối với sức khỏe dạ dày. Người bệnh nên ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và dễ tiêu hóa để giảm áp lực co bóp. Việc chia nhỏ bữa ăn giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời cần hạn chế thực phẩm có ga, rượu bia, thuốc lá và đồ ăn lên men để bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học
Thiếu ngủ và thức khuya thường xuyên làm tăng căng thẳng, dẫn đến đau dạ dày. Do đó, người bệnh nên đi ngủ trước 23h và đảm bảo giấc ngủ kéo dài từ 7 – 8 tiếng mỗi đêm để giúp cơ thể thư giãn, phục hồi và giảm căng thẳng thần kinh.
Nghỉ giải lao hợp lý khi làm việc
Làm việc liên tục với cường độ cao khiến hệ thần kinh căng thẳng quá mức. Việc nghỉ giải lao ngắn sau mỗi giờ làm việc, kết hợp vận động nhẹ và hít thở sâu trong 5 phút sẽ giúp thư giãn thần kinh, cải thiện tuần hoàn máu và giảm mỏi mắt.
Duy trì hoạt động thể chất
Tập thể dục giúp cơ thể sản sinh endorphin, một chất giúp cải thiện tâm trạng và giảm tác động tiêu cực của stress. Các bộ môn như yoga, thiền định, chạy bộ không chỉ giúp kiểm soát nhịp thở mà còn cải thiện giấc ngủ, tăng cường tuần hoàn máu và hỗ trợ tiêu hóa. Duy trì vận động ít nhất 15 – 30 phút mỗi ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể.
Sử dụng thuốc hỗ trợ khi cần thiết
Trong trường hợp chưa thể kiểm soát stress ngay, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng đau dạ dày tạm thời như thuốc giảm tiết acid, thuốc trung hòa dịch vị, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc thuốc an thần nhẹ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần có sự tư vấn từ bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913