Cúm mùa do các chủng virus như A, B hoặc C gây ra, thường xảy ra khi cơ thể không kịp thích nghi với sự thay đổi thời tiết nhanh chóng. Vậy, cần lưu ý gì trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh?
Nguyên nhân và triệu chứng gây bệnh cúm mùa
Theo Dược sĩ CK1 Nguyễn Quốc Trung – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, cúm mùa do các loại virus khác nhau gây ra và được phân loại như sau:
- Cúm A: Là loại cúm nguy hiểm với nhiều chủng gây bệnh như cúm A(H5N1) và cúm A(H1N1).
- Cúm C: Gần giống với cảm lạnh.
- Cúm B: Có một chủng duy nhất gây bệnh.
Nguyên nhân: Cúm mùa thường do sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Khi cơ thể không kịp thích ứng, virus dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
Triệu chứng:
- Sau khi nhiễm virus, bệnh nhân thường ủ bệnh khoảng 2 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng như sốt, chóng mặt, đau đầu, đau cơ, cảm giác ớn lạnh và chán ăn.
- Các triệu chứng sẽ trở nên rõ rệt hơn, bao gồm ngạt mũi, ho, đau họng, tức ngực, khó thở, sưng hạch, tiêu chảy và nôn. Thông thường, các triệu chứng chủ yếu ở đường hô hấp trên và sẽ giảm rõ rệt sau khoảng 5 ngày, nhưng ho và mệt mỏi có thể kéo dài thêm từ 1 đến 2 tuần.
Cúm mùa có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp cúm mùa có thể tự khỏi trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp có thể gặp biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong, vì vậy không nên chủ quan và cần điều trị kịp thời và triệt để.
Mức độ nguy hiểm của bệnh cúm mùa được thể hiện qua:
- Dễ lây lan: Cúm mùa có thể dễ dàng lây nhiễm qua giọt bắn từ người bệnh khi nói chuyện gần, ho, hắt xì hơi, hoặc khi chạm vào đồ vật chứa virus rồi đưa tay lên miệng hoặc mũi.
- Nguy cơ biến chứng: Mặc dù nhiều người không cần điều trị, nhưng bệnh có thể đột ngột trở nặng, dẫn đến biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng, hoặc tử vong.
Bệnh cúm mùa có thể nặng hơn ở người mắc bệnh mạn tính, bà bầu, trẻ nhỏ và người cao tuổi. Các nhóm này cần theo dõi chặt chẽ và đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường để được điều trị kịp thời.
- Nguy hiểm đối với bà bầu: Phụ nữ mang thai mắc cúm mùa có nguy cơ gặp biến chứng về phổi và có thể bị sảy thai. Cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây biến chứng cho thai nhi, đặc biệt là các vấn đề về hệ thần kinh trung ương.
Điều trị cúm mùa như thế nào?
Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, hiện tại chưa có thuốc đặc trị cúm, và bệnh thường tự khỏi trong khoảng 5 đến 7 ngày mà không cần điều trị đặc biệt.
- Đối với người không thuộc nhóm nguy cơ cao: Không cần dùng thuốc. Trong một số trường hợp, có thể điều trị triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ. Nên ở nhà để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Đối với bệnh nhân có triệu chứng nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao: Cần điều trị bằng thuốc kháng virus để giảm triệu chứng, ngắn thời gian bệnh và hạn chế biến chứng. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nếu triệu chứng kéo dài hơn một tuần: Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt mà vẫn sốt cao, hoặc có triệu chứng như ho nhiều, tức ngực, nên đến cơ sở y tế để bác sĩ theo dõi và xử trí kịp thời.
Phương pháp phòng ngừa bệnh cúm mùa
Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa cúm mùa hiệu quả, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus. Các nhóm cần tiêm phòng hàng năm bao gồm trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và những người có bệnh nền.
Ngoài việc tiêm phòng, mỗi người cũng nên thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt sau khi ra ngoài hoặc trở về từ nơi công cộng.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi: Sử dụng tay hoặc giấy che miệng, rồi rửa tay hoặc bỏ giấy vào thùng rác ngay sau đó.
- Vệ sinh môi trường sống: Làm sạch nhà cửa, phòng làm việc, trường học, và các đồ vật thường xuyên tiếp xúc, đặc biệt là đồ chơi của trẻ nhỏ.
- Theo dõi sức khỏe: Khi có triệu chứng như sốt, ho, hoặc đau họng, không nên chủ quan. Nghỉ ngơi tại nhà, thông báo cho trường học, cơ quan làm việc và cơ sở y tế địa phương để được hướng dẫn cách ly và xử trí.
- Hạn chế tiếp xúc: Những người có nguy cơ cao như người có bệnh nền, trẻ nhỏ, người già và thai phụ nên tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Không tự ý dùng thuốc: Chỉ sử dụng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ.
- Giữ ấm và dinh dưỡng: Đảm bảo giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh và ăn uống đầy đủ để tăng cường sức khỏe.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913