Virus cúm C ít phổ biến hơn so với cúm A và B, và thường ít gây ra dịch bệnh. Tuy nhiên, cúm C vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách, đặc biệt ở người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền. Vậy cúm C có những triệu chứng gì, mức độ nguy hiểm ra sao và làm thế nào để phòng ngừa?
Cúm C có nguy hiểm không?
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, hiện nay các chủng cúm phổ biến bao gồm cúm A, B và C. Trong đó, cúm A và B thường gặp hơn, còn cúm C ít phổ biến và có thể xuất hiện ở cả người và động vật.
Các triệu chứng của cúm C thường nhẹ và có thể tự khỏi mà không để lại hậu quả nghiêm trọng. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Đau họng
- Sốt
- Ho, hắt hơi
- Đau đầu
- Đau cơ, mệt mỏi
- Chảy nước mũi
Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch yếu, triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn và dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não…
Đối với phụ nữ mang thai, cúm C không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ mà còn có thể gây tác động xấu đến thai nhi, làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân…
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cúm C
Môi trường sống và làm việc: Những người sống hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, như khu công nghiệp hay các khu vực đông dân cư, có nguy cơ mắc cúm cao hơn so với những người khác.
Thời tiết: Virus cúm phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết lạnh và độ ẩm thấp. Mùa lạnh làm tăng khả năng tồn tại của virus, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Độ tuổi: Cúm C có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em và người cao tuổi là những nhóm có nguy cơ cao.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ sinh non dưới 32 tuần tuổi, có hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, bao gồm cúm.
- Người từ 65 tuổi trở lên: Do sự suy giảm của hệ miễn dịch và sự dễ mắc các bệnh mạn tính, nhóm tuổi này có nguy cơ cao mắc cúm.
Yếu tố bệnh nền: Những người đang mắc bệnh mạn tính như ung thư, HIV/AIDS, hoặc đang sử dụng steroid lâu dài thường có hệ miễn dịch suy yếu, làm tăng nguy cơ mắc cúm.
Cúm C có thể lây qua đường nào?
Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cũng cho biết thêm, virus cúm C có thể phát tán trong không khí và dễ dàng lây lan. Bệnh thường lây qua các con đường sau:
- Dịch tiết đường hô hấp: Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, virus sẽ phát tán ra môi trường xung quanh. Nếu bạn đứng gần người bệnh, có thể tiếp xúc với giọt bắn và bị lây nhiễm.
- Lây qua bề mặt tiếp xúc: Virus có thể bám vào các vật dụng xung quanh. Nếu bạn vô tình chạm vào những đồ vật này và sau đó đưa tay lên mắt, miệng, bạn có thể bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, việc dùng chung khăn mặt, quần áo, khăn tắm, cốc uống nước với người bệnh cũng có thể gây lây nhiễm.
Bị cúm C khoảng bao lâu thì khỏi?
Khi nhiễm virus, bệnh nhân sẽ có thời gian ủ bệnh khoảng 2 ngày. Sau đó, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Những triệu chứng này thường không quá nghiêm trọng nhưng có thể khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Nếu cần thiết, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc điều trị triệu chứng.
Hầu hết bệnh nhân sẽ khỏi bệnh sau khoảng 5 ngày, tuy nhiên, triệu chứng ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn. Trung bình, các triệu chứng sẽ hết trong khoảng 1 đến 2 tuần. Đối với những người có hệ miễn dịch yếu, thời gian mắc bệnh có thể kéo dài hơn.
Phương pháp phòng ngừa cúm C
Dưới đây là một số phương pháp phòng ngừa bệnh đơn giản nhưng hiệu quả:
- Vệ sinh cá nhân đúng cách, rửa tay bằng xà phòng, cồn hoặc dung dịch diệt khuẩn. Đồng thời, vệ sinh mũi và họng để thông thoáng đường thở.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến những nơi công cộng. Đây là biện pháp đơn giản nhưng có hiệu quả cao trong việc phòng tránh nhiều bệnh.
- Khi thời tiết lạnh, cần chú ý giữ ấm cơ thể.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dưỡng chất để nâng cao thể trạng. Thường xuyên vận động thể dục thể thao cũng rất quan trọng, không chỉ giúp phòng ngừa cúm mà còn nhiều bệnh lý khác.
Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, cho con bú, người có bệnh nền hoặc đang dùng thuốc điều trị bệnh.
Trên đây là một số thông tin về bệnh cúm C. Mặc dù cúm C ít gây nguy hiểm, nhưng vẫn có thể gây biến chứng nghiêm trọng đối với những người có hệ miễn dịch yếu. Vì vậy, mỗi người cần chủ động phòng ngừa bệnh.
Nguồn: https://caodangyduoctphcm.com.vn/
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913