Tin Tức

Gắm – Loại dược liệu quý nhưng tên gọi còn mới mẻ

Gắm là một loại dược liệu quý hiếm được sử dụng trong y học cổ truyền nhưng tên gọi của loại dược liệu này khá mới mẻ với nhiều người, vì nó không được sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ hàng ngày.

Cây gắm là cây thân leo, thân quấn vào cây lớn khác để leo lên

Cây gắm được mọc khá phổ biến ở nước ta, cây gắm có nhiều công dụng điều trị bệnh khác nhau và thường có mặt trong nhiều bài thuốc Đông y. Tuy nhiên, gắm vẫn là một tên gọi đầy mới mẻ đối với nhiều người, hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về loại dược liệu này thông qua bài viết dưới đây.

1. Thông tin thực vật chung về cây gắm

Theo Giảng viên Cao đẳng Dược Hà Nội: Cây gắm có tên khoa học là Gnetum montanum, thuộc họ dây gắm. Cây dây mấu, cây dây sót hay cây vương tôn là các tên gọi khác của cây gắm. Cây gắm là cây thân leo, chiều dài thân từ 10 – 12 m, thân quấn vào cây lớn khác để leo lên. Thân cây có kích thước lớn, xuất hiện nhiều mấu trên thân và có các đốt phình to.

Lá cây gắm có hình đặc trưng là hình xoan thuôn dài, lá mọc đối xứng nhau, mặt lá nhẵn bóng. Từ kẽ lá sẽ mọc ra hoa, hoa đực và hoa cái mọc ở các gốc khác nhau. Tháng 6 – tháng 8, cây bắt đầu ra hoa và tháng 10 đến tháng 12 cây cho quả. Quả gắm có cuống ngắn, khi quả chín sẽ có màu vàng, có hạt to bên trong.

Thân và rễ cây gắm là 2 bộ phận được sử dụng làm dược liệu nhiều nhất. Sau khi thu hái, đem thân và rễ rửa sạch sau đó thái thành lát mỏng và đem phơi khô. Bên cạnh đó, hạt cũng có thể dùng để ăn hay đem ngâm làm thuốc để xoa bóp trị đau nhức.

Gắm là dược liệu có tính bình, vị đắng

2. Cây gắm và những công dụng đối với sức khỏe

– Trong Đông y: dược liệu gắm có tính bình, vị hơi đắng. Về công dụng, gắm có thể sát khuẩn, giúp giải trừ phong thấp, đào thải độc tố ra ngoài cơ thể, hỗ trợ điều trị tình trạng viêm nhiễm, giúp hoạt huyết, trị khu phong, thư cân. Cây gắm thường được sử dụng để điều trị sốt rét, ngộ độc, đau nhức xương khớp hay bệnh gout. Cành cây giúp giảm đau, trị bong gân, mau lành gân xương. Rễ cây điều trị bệnh sưng đau đầu gối rất hiệu quả.

– Trong Tây y: Theo chia sẻ của Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM, thành phần hóa học cây gắm có chứa dl-dimethyl coclaurin hydroclorid. Đây là chất có tác dụng tốt trên hệ tim mạch. Nước sắc từ cây gắm đem đi thử nghiệm có khả năng ức chế được liên cầu khuẩn nhóm A, liên cầu tan máu, tụ cầu vàng và các loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi, lỵ trực khuẩn hay trực khuẩn gây bệnh thương hàn.

3. Một số bài thuốc có chứa dược liệu gắm

– Bài thuốc điều trị phong thấp

Chuẩn bị: 800g cẩu tích, 500g tỳ giải, 400g mỗi loại bao gồm: rễ gắm, thạch lựu, ngưu tất, cốt thoái bổ, hy thiêm, ngũ gia bì, 250g lá ké và 250g quán chúng.

Tất cả nguyên liệu đem rửa sạch sau đó sấy khô rồi tán thành bột mịn, vo viên. Dùng thuốc viên này cùng với nước gừng hoặc uống cùng rượu, cũng có thể dùng để ngâm rượu.

– Bài thuốc điều trị lở sơn

Dùng 20g rễ gắm sắc cùng 300ml nước, sắc đến khi nước cô lại còn khoảng 150ml thì ngưng. Uống 2 lần/ngày.

Dây gắm giúp hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp

– Bài thuốc điều trị đau nhức xương khớp

Chuẩn bị: 80g mỗi loại bao gồm: rễ rung rúc, ngũ gia bì, rễ gắm, vỏ cây hoa giẻ, 40g mỗi loại rễ cây bao gồm: rễ xích đồng, rễ tầm gửi dâu, rễ bạch đồng nữ, rễ cỏ xước, rễ bưởi bung, rễ bước bạc, rễ ô dược, 20g rễ chỉ thiên, 20g cỏ roi ngựa.

Đem tất cả dược liệu đã được chuẩn bị đi rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, thái mỏng và mang đi phơi khô, ngâm cùng 1lít rượu trắng. Ngâm khoảng 15 ngày để các hoạt chất có trong dược liệu ngấm vào trong rượu. Mỗi lần dùng 1 chén nhỏ rượu thuốc hằng ngày trước khi đi ngủ để điều trị bệnh.

– Bài thuốc điều trị sốt rét

Dùng 10g thảo quả, 10g lá mãng cầu tươi, 10g dây gắm, 10g hà thủ ô, 8g cây chó đẻ, 4g dây cóc, 4g ô mai, 4g binh lang.

Đem tất cả nguyên liệu sắc cùng 600ml nước, sắc đến khi cô lại còn khoảng 200ml. Uống 2 lần/ngày, dùng liên tục 15 ngày.

– Bài thuốc giúp điều hòa kinh nguyệt

Chuẩn bị: 10g bạch đồng nữ, 10g lá đuôi lươn, 6g nghệ đen, 8g rễ gắm, 12g nhân trần và 12g ích mẫu. Tất cả dược liệu đem sắc cùng nước uống hàng ngày, dùng khoảng 1 tháng sẽ thấy hiệu quả.

Tóm lại, cây gắm có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe, mặc dù tên gọi còn nhiều mới mẻ với nhiều người nhưng gắm là loại dược liệu đã từ lâu được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y để điều trị bệnh. Nhưng cần lưu ý rằng không phải chỉ gắm mà bất cứ loại dược liệu nào khác cũng đều có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn nếu như chúng ta lạm dụng quá mức, sử dụng không đúng liều lượng, không đúng cách dùng hay phối hợp cùng các dược liệu khác không đúng cách. Vì vậy, để đảm bảo được sức khỏe cũng như đạt được hiệu quả điều trị cao, chúng ta không nên tự ý sử dụng dược liệu gắm, nên tham khảo ý kiến cũng như lời khuyên từ bác sĩ hay nhân viên y tế, cần thăm khám trước khi dùng thuốc.

Nguồn: caodangyduoctphcm.com.vn

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh

Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295

Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *