Tin Tức

Những lợi ích về sức khỏe mà gừng mang lại!

Gừng là một loại gia vị và thực phẩm quen thuộc trong ẩm thực của mỗi gia đình. Ngoài tác dụng làm gia vị cho các món ăn, gừng còn có nhiều lợi ích về sức khỏe, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Gừng – không chỉ là một thực phẩm quen thuộc mà còn là một vị thuốc tốt cho sức khoẻ

Trong gian bếp của người Việt, gừng là một thực phẩm vô cùng quen thuộc và có mặt trong nhiều bữa ăn của mỗi gia đình. Ngoài ra, gừng còn được biết đến là một vị thuốc đặc trưng sử dụng trong Y học cổ truyền với rất nhiều công dụng khác nhau. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hết về những tác dụng tuyệt vời đến từ gừng.

I. Một số thông tin về gừng

Gừng là một loại cây nhỏ, có thân rễ phát triển thành củ và chiều cao từ 5cm đến 1m. Cây có lá mọc so le, không có cuống và có bẹ hình mác dài khoảng 15cm-20cm, rộng 2cm. Vò lá của gừng có mùi thơm đặc trưng.

Theo Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM: Gừng tươi có vị cay, nóng, mùi thơm và tính ấm. Nó không chỉ có tác dụng chống tiêu chảy, đầy hơi và chống ói mửa, kích thích lưu thông máu và làm ấm cơ thể, mà còn có tác dụng chống say tàu xe, chống nôn, giảm đau và kháng viêm.

II. Những công dụng tuyệt vời của gừng

1. Tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa

Gừng không chỉ là một gia vị nấu ăn quen thuộc đem lại cảm giác ngon miệng mà còn giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.

Gừng đẩy mạnh nhu động ruột, làm tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn, giảm áp lực trong đường tiêu hóa và làm dịu dạ dày. Trong quá trình tiêu hóa thức ăn, vi khuẩn đường ruột tiếp xúc với thức ăn sẽ xảy ra hiện tượng lên men có thể gây đầy hơi, chướng bụng. Khi chúng ta sử dụng gừng, các enzyme trong gừng tác động và đẩy khí ra khỏi cơ thể, làm giảm các triệu chứng đầy hơi, chứng bụng.

Thông thường để giải quyết các tình trạng như trên, người bệnh có thể nhấm nháp một lát gừng tươi hoặc dùng ngay một cốc trà gừng nóng, các triệu chứng sẽ giảm dần và cơ thể sẽ cảm thấy dễ chịu.

Thêm vào đó, gừng có tác dụng giảm bài tiết dịch vị, ức chế sự co bóp dạ dày, và ngăn chặn sự phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh.

2. Giảm buồn nôn

Gừng có khả năng kích thích nhu động ruột, tăng cường khả năng vận chuyển thức ăn, giúp làm trống dạ dày, giảm co thắt ruột, ngăn ngừa chứng khó tiêu và đầy hơi, cũng như giảm áp lực trong đường tiêu hóa, làm giảm cảm giác buồn nôn.

Để giảm cảm giác buồn nôn, bạn có thể nhai hoặc giã nát một lát gừng nhỏ, nấu với chút nước và uống khi còn ấm. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể cảm giác buồn nôn. Dù buồn nôn do say tàu xe hoặc do thai nghén gừng đều có hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng gừng đối với phụ nữ khi mang thai cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, đặc biệt với các trường hợp có tiền sử chảy máu âm đạo và rối loạn đông máu khi chuyển dạ hoặc dễ chảy máu không nên sử dụng nhiều gừng.

Ngoài ra, gừng có thể giảm cảm giác buồn nôn và nôn cho những người mới trải qua một số loại phẫu thuật hoặc liên quan đến việc sử dụng loại thuốc hóa trị chống ung thư.

3. Giảm viêm, đau xương khớp

Gừng chứa chất hoạt tính sinh học có khả năng ngăn chặn sự hình thành của leukotrienes, một loại hợp chất gây ra đau nhức, và chứa gingerol giúp chống viêm, ức chế các chất chemokin, cytokin và các yếu tố gây viêm khác. Do đó, gừng giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động trong các trường hợp viêm khớp.

Trong y học cổ truyền, bã gừng thường được sử dụng để đắp lên chỗ viêm khớp gối để giảm đau, hoặc ngâm chân trong nước gừng nấu loãng 15-20 phút để chữa các chứng viêm khớp. Các liệu pháp này được cho là có tác dụng giảm triệu chứng đau và sưng rất rõ rệt.

Trên mặt khoa học, theo các nhà khoa học sử dụng gừng bằng đường uống “hiệu quả ở mức độ vừa phải và an toàn hợp lý” giúp điều trị chứng viêm do viêm xương khớp.

Trà gừng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol

4. Cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol

Gừng có tính nóng và chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe tim mạch. Vì vậy, trà gừng có tác dụng phòng ngừa một số bệnh mãn tính, giúp giảm huyết áp, ngăn ngừa hình thành cục máu đông, giảm cholesterol, cải thiện lưu thông máu và ngăn ngừa đau tim.

5. Điều trị cảm lạnh hoặc cảm cúm

Theo GV Trường Cao đẳng Dược Hà Nội: Gừng đã được sử dụng từ lâu để giảm các triệu chứng khó chịu của cảm lạnh và cảm cúm. Với vị cay và tính ấm, gừng rất thích hợp cho những người bị cảm hoặc ho do lạnh. Dân gian thường sử dụng gừng với mật ong, trà gừng, dầu gừng hay gừng tươi trong những ngày lạnh để phòng ngừa các triệu chứng như ho, ngứa cổ, lạnh, sổ mũi,…

Theo y khoa hiện đại, gừng có tính kháng khuẩn và có thể giúp kiểm soát cơn đau và viêm, các đặc tính y học này có thể giúp giảm các triệu chứng của cảm lạnh hoặc đau họng.

6. Giảm đau bụng kinh

Các chất trong gừng có thể giúp ngăn ngừa sự tăng viêm bằng cách ức chế sự sản xuất prostaglandin – một chất chống viêm có liên quan đến kích hoạt các cơn co thắt tử cung trong quá trình rụng trứng. Sự sản xuất quá mức prostaglandin có thể dẫn đến cơn đau kinh nguyệt, và tiêu thụ gừng dưới dạng thực phẩm chức năng hoặc trà có thể giúp giảm đau kinh hiệu quả.

7. Có thể giúp ngăn ngừa ung thư

Gừng không chỉ có khả năng chống viêm hiệu quả, gừng còn giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Gingerol là một trong những chất chống oxy hóa tuyệt vời được tìm thấy trong gừng sống, có khả năng giảm nhiều loại hình stress oxy hóa, loại bỏ gốc tự do trong cơ thể và ngăn ngừa một số bệnh lý ung thư.

Theo các nghiên cứu, gừng và các phân tử hoạt tính sinh học của nó có khả năng kiểm soát mức độ các loại ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan, và nhiều loại ung thư khác.

8. Giảm nguy cơ nhiễm trùng

Có thành phần gingerol, gừng được xem là chất giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng. Chiết xuất từ gừng có khả năng ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn khác nhau, đặc biệt là vi khuẩn gây viêm nướu và viêm nha chu trong miệng. Ngoài ra, gừng tươi cũng có hiệu quả chống lại vi-rút hợp bào hô hấp (RSV), gây ra các bệnh như viêm họng, viêm phổi và viêm tiểu phế quản.

9. Có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu

Gừng có tác dụng cải thiện khả năng kháng insulin và tỷ lệ trao đổi chất, và có thể giúp giảm lượng đường huyết trên những bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 trong tình trạng đói.

Qua đây, chúng ta có thể thấy những công dụng vô cùng tuyệt vời đến từ gừng. Tuy nhiên, theo cho biết của GV Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur: nếu sử dụng quá liều hoặc lạm dụng gừng thường xuyên, có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, trước khi sử dụng gừng với mục đích điều trị, đặc biệt là các chiết xuất từ gừng, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Nguồn: caodangyduoctphcm.com.vn

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh

Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295

Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *