Vật lý trị liệu là sử dụng các tác nhân vật lý (có sẵn trong tự nhiên hoặc nhân tạo) để điều trị bệnh. Trong bài viết này, hãy cùng Trường Cao đẳng Y Dược TPHCM tìm hiểu đôi nét về phương pháp Nhiệt trị liệu và Điện trị liệu nhé.
- Thực phẩm chức năng và những điều bạn cần biết!
- Viêm da dị ứng thế nào? Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị
- Những điều cần biết về cây rau má
Tìm hiểu về phương thức nhiệt trị liệu và điện trị liệu
Vật lý trị liệu là sử dụng các tác nhân vật lý (có sẵn trong tự nhiên hoặc nhân tạo) để điều trị bệnh. Về bản chất chúng bao gồm các phương thức sau:
– Nhiệt trị liệu (nhiệt nóng và nhiệt lạnh).
– Ánh sáng trị liệu (hồng ngoại, tử ngoại, laser công suất thấp,…)
– Điện trị liệu (dòng điện cao tần, trung tần, thấp tần,…).
– Vận động trị liệu, kéo giãn, xoa bóp, kéo nắn.
– Hoạt động trị liệu.
– Thủy trị liệu
Đôi nét về phương pháp Nhiệt trị liệu và Điện trị liệu sẽ được chia sẻ trong bài viết sau đây!
NHIỆT TRỊ LIỆU
Nhiệt nóng
1.1. Tác dụng sinh lý: Tác dụng sinh lý đối với cơ thể phụ thuộc vào cường độ nóng (khoảng 40-45 độ C), thời gian áp dụng (thường khoảng 15-30 phút), phạm vị cơ thể và tốc độ được sưởi nóng.
Nhiệt nóng có tác dụng:
– Giãn mạch tại chỗ hay toàn thân, tăng khả năng lưu thông máu.
– Giảm đau, giảm viêm, giảm phù nề…
– Tăng tính kéo giãn các mô liên kết.
– Giảm hiện tượng cứng khớp.
– Tăng chuyển hóa.
1.2. Chỉ định điều trị:
Nhiệt nóng được sử dụng trong nhiều loại bệnh lý, đặc biệt là các bệnh thuộc hệ vận động: giảm đau, co rút khớp, co cứng cơ, giảm tầm vận động, trình trạng viêm bán cấp và mạn tính,…
1.3. Chống chỉ định và thận trọng:
Các chấn thương mới, viêm cấp, chảy máu mới hoặc có nguy cơ chảy máu, vùng da mất cảm giác, mất nhận thức đau (hôn mê, suy giảm trí tuệ,…), các loại u, phù, các vết thương hở,… Thận trọng với người lớn tuổi và trẻ em.
1.4. Phân loại nhiệt nóng:
Có 2 loại: nhiệt nông và nhiệt sâu.
1.4.1. Nhiệt nóng nông:
– Là nhiệt có khả năng xuyên qua da đến khoảng 2cm. Bao gồm: túi chườm nóng, xông hơi, bó sáp, nước nóng, hồng ngoại, tử ngoại, laser. Áp dụng ở những vùng được che phủ bởi lớp tổ chức liên kết mỏng (như bàn tay, bàn chân,…) và có thể có tác dụng sâu nhờ cơ chế phản xạ. Nhiệt có tác dụng tối đa ở da và tổ chức dưới da.
Điều trị bằng đèn hồng ngoại
+ Túi nóng ẩm: là những túi vải chứa silicats ngậm nước được nhúng vào nước có nhiệt độ khoảng 70- 80 độ C. Túi được bọc trong 6-8 lớp khăn sau đó đắp vào vùng điều trị 20-30 phút. Hiện nay, trên thị trường cũng có loại túi điện có điều khiển hoặc túi gel nóng.
+ Parafin: là hỗn hợp gồm 7 phần parafin ,1 phần dầu khoáng, được đun nóng đến nhiệt độ 52-54 độ C. Dầu khoáng làm hạ thấp điểm nóng chảy của parafin và hỗn hợp đó với nhiệt độ khoảng 47-54 độC. Sử dụng bằng cách nhúng nhanh phần điều trị (ngón, bàn, cẳng tay, khuỷu tay…) vào parafin rồi rút ra, chờ cho parafin khô rồi tiếp tục nhúng lần tiếp theo, khoảng 7-8 lần, sau dó bọc lại bằng nilon rồi bọc thêm khăn để giữ sức nóng; hoặc đổ parafin ra khay chờ cho đến khi tạo thành lớp váng trên bề mặt là có thể đắp hoặc bó vào vùng cần điều trị (lưng, vai, bàn tay… ).
+ Tia hồng ngoại.
Năng lượng của tia hồng ngoại có thể xuyên qua da và chuyển thành dạng nhiệt cho điều trị nông. Hồng ngoại được điều trị bằng cách chiếu vào phần bề mặt cơ thể cần điều trị. Khoảng cách từ đèn đến bề mặt khoảng 45-60cm. Thời gian chiếu khoảng 20-30 phút.
1.4.2. Nhiệt nóng sâu:
Là nhiệt có khả năng xuyên sâu 3cm-6cm mà không làm tăng nhiệt độ da và tổ chức dưới da. Nhiệt sâu được dùng để điều trị các tổ chức ở sâu như khớp háng, khớp gối, cơ vùng thắt lưng,…. Nhiệt được sinh ra nhờ chuyển năng lượng thành dạng nhiệt, qua da và vào sâu các tổ chức như dây chằng, cơ, xương, bao khớp,… Nhiệt sâu thường được sử dụng dưới các dạng siêu âm, sóng ngắn và vi sóng,…
Điều trị bằng Parafin
Nhiệt lạnh
Là phương thức VLTL điều trị bệnh ở môi trường có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ bình thường của vùng cơ thể được điều trị.
2.1. Tác dụng sinh lý:
– Gây co mạch tại chỗ, có thể lan rộng hơn dựa vào cơ chế phản xạ,…
– Giảm quá trình chuyển hóa,…
– Tăng ngưỡng kích thích thần kinh,…
– Giảm dẫn truyền cảm giác và vận động thần kinh,…
– Giảm tính đàn hồi của các tổ chức cơ thể,…
– Giảm phù nề,…
– Giảm co cứng, giảm trương lực cơ, co thắt cơ,…
2.2. Chỉ định điều trị:
– Giảm đau.
– Giảm co rút,…
– Giảm phù nề (sau chấn thương mới, bỏng,…), giảm viêm (viêm cấp),
2.3. Chống chỉ định:
– Viêm tắc động mạch.
– Mẫn cảm với lạnh, đái globulin khi gặp lạnh, đái máu,…
– Vùng da vô mạch, vùng da mất cảm giác,
– Bệnh tăng huyết áp nặng.
– Thận trọng với người cao tuổi và trẻ nhỏ.
2.4. Các hình thúc áp dụng:
– Túi chườm lạnh: đặt trong tủ lạnh có nhiệt độ 5 độ C, chườm trong 20-30 phút.
– Xoa xát bằng đá lạnh: điều trị tại chỗ, vùng hẹp,….
– Khăn lạnh
– Bể nước lạnh từ 13-18 độ C: nhúng phần chi thể cần điều trị 20-30 phút.
– Phun hơi lạnh: ethylchloride hay fluorimethane có thể làm giảm co rút cơ
ĐIỆN TRỊ LIỆU
Định nghĩa
Điện trị liệu là sử dụng năng lượng điện để kích thích thần kinh, cơ hoặc cả hai bằng cách sử dụng điện cực trên bề mặt cơ thể.
Các dòng điện điều trị
Do có nhiều loại dòng điện được ứng dụng và tác dụng của chúng cũng khác nhau nên điện trị liệu được chia ra: điện nhiệt và điện kích thích.
– Điện nhiệt: các dòng điện có tần số trên 100.000 hz (hz là số xung trong 1 giây) tạo nhiệt vùng mô cần điều trị, không gây kích thích thần kinh hoặc cơ. Đây là các dòng điện cao tần, bao gồm sóng ngắn, sóng cực ngắn hoặc vi sóng,…
Điều trị bằng sóng ngắn
– Điện kích thích: gồm các dòng điện có tần số dưới 100.000 hz, gây kích thích hệ thần kinh và cơ dù với cường độ rất thấp, chia làm 2 loại sau: Các dòng điện thấp tần (có tần số nhỏ hơn 1000 hz), các dòng này tạo được kích thích nhịp lên thần kinh và cơ; loại 2 là các dòng điện trung tần (tần số 1.000 đến 100.000 hz), chúng không tạo được kích thích với từng nhịp đơn mà chỉ tạo được kích thích khi có các nhóm kích thích. Phần này chỉ đề cập đến điện kích thích.
Tác dụng sinh lý
Theo Giảng viên Cao đẳng phục hồi chức năng – Cao đẳng Y Dược TPHCM: Điện trị liệu có nhiều tác dụng sinh lý khác nhau:
– Tăng tuần hoàn
– Giảm đau
– Điện dẫn thuốc (dẫn một số thuốc vào cơ thể qua da).
– Kích thích thần kinh và cơ
– Tác dụng lên các cơ quan nội tạng (trực tiếp hay qua phản xạ),…
Chỉ định điều trị
– Giảm đau: Cấp tính, mạn tính trong các bệnh thần kinh, cơ-xương-khớp, đau sau phẫu thuật….
– Co cơ, teo cơ,…
– Rối loạn vận mạch như suy giãn tĩnh mạch, rối loạn mạch thần kinh,…
Chống chỉ định
– Viêm tắc tĩnh mạch.
– Đang đặt máy tạo nhịp tim, loạn nhịp tim
– các loại u.
– Tình trạng chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu.
– Gãy xương giai đoạn sớm
– Phụ nữ mang thai.
Nguồn: caodangyduoctphcm.com.vn
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913