Bìm bìm là một loại cây thân leo, Nó được trồng làm cây cảnh và cũng được sử dụng trong đông y với nhiều ứng dụng khác nhau, bao gồm điều trị mụn nhọt, táo bón, đái ra máu, và viêm phế quản. Đặc biệt, nó có khả năng giúp xương liền sau khi gãy…
- Tác động của súp lơ xanh và súp lơ trắng đến sức khỏe: Đâu là lựa chọn tốt hơn?
- Những lợi ích tuyệt vời mà bạn sẽ nhận được khi ăn sáng đầy đủ
- Lợi ích sức khỏe của trà gừng đối với huyết áp là gì?
Hình ảnh Dây Bìm bìm
Hãy cùng Giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội tìm hiểu thực hư về vị thuốc từ cây leo hoang dại này nhé!
1. Cây bìm bìm là gì
Tên gọi khác: Dây hoa rau muống, Khiên ngưu tử, Hắc sửu, Bạch sửu,…
Tên khoa học: Ipomoea cairica (L)- Convolvulacae ( họ bìm bìm )
1.1 Mô tả thực vật:
Là loại cây leo có thân mảnh, thường mọc trên các vật thể khác và thường có bề mặt nhẵn.
Lá có hình chân vịt và mọc so le với 5 thùy. Cây thường mọc uốn quanh và có sự quấn vào vật thể khác theo chiều kim đồng hồ. Nó thường được gọi bằng nhiều tên khác nhau, như dây hoa rau muống, do hoa của nó giống với hoa rau muống.
Một điểm đặc biệt của cây này là hoa của nó có khả năng thay đổi màu sắc trong ngày. Vào buổi sáng, hoa thường có màu lam nhạt, sau đó chuyển sang màu hồng tím vào buổi chiều.
Hoa thường nở tại kẽ lá và có hình dạng phễu. Đài hoa có hình chén và tràng hoa có ống, gồm 5 cánh hoa mỏng nối liền với nhau. Nhị hoa được đính ở gốc tràng và không thò ra bên ngoài..
Quả nang có hình cầu và nhẵn, có 3 ngăn và hạt có 3 cạnh, có lưng lồi và dẹt về hai bên, có thể có màu đen hoặc trắng tùy thuộc vào loài.
Mùa hoa quả thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9.
1.2. Phân bố
Bìm bìm thường mọc hoang trong môi trường tự nhiên, thường xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản, Philippines và Trung Quốc.
Tại Việt Nam, loài cây này cũng mọc hoang rộ nhiều nơi và thậm chí được trồng làm cây cảnh. Bìm bìm thích ẩm ướt và ánh sáng, thường phát triển mạnh trong mùa mưa. Nó có khả năng phát triển từ các chồi ở kẽ lá và mùa hoa quả kéo dài từ 4-5 tháng. Vào mùa đông, cây thường ngừng sinh trưởng, và trong thời kỳ này, người ta thường cắt bớt các cành và thân để cây có thể tái sinh với những chồi mới và khỏe mạnh hơn vào năm sau.
2. Bộ phận dùng, cách thu hái và chế biến
– BPD: Toàn bộ cây đều có thể sử dụng để làm thuốcvì nó chứa nhiều dược tính quý. Bạn có thể sử dụng cây bìm bìm tươi hoặc phơi khô.
– Thu hái và chế biến:
Cây mọc hoang ở nước ta khá nhiều, hàng năm vào khoảng tháng 7-10, khi quả bìm bìm đã chín mà chưa nứt, người ta thu hái cây về. Sau đó, quả được phơi khô, đập tách vỏ để lấy hạt và làm sạch, loại bỏ các tạp chất. Và chế biến chúng:
+ Khiên ngưu tử sống: cần loại bỏ tạp chất và đập vỡ trước khi dùng.
+ Khiên ngưu tử sao: trước hết, khiên ngưu tử đã làm sạch được đặt trên lửa nhỏ cho đến khi hạt bắt đầu phồng, sau đó đập vỡ hạt trước khi sử dụng.
Hạt dược liệu Bìm bìm phơi khô gọi là khiên ngưu tử có hai loại:
Loại hạt màu trắng (bạch sửu hay bạch khiên ngưu tử)
và loại hạt màu đen (hắc sửu hay hắc khiên ngưu tử).
Hạt Bìm bìm trước và sau khi chế biến
3. Thành phần hóa học
Bìm bìm chứa nhiều thành phần hóa học quan trọng, bao gồm:
– Chất béo, chiếm khoảng 11% trong tổng thành phần.
– Glucozit phacbitin: Một chất có khả năng tẩy mạnh.
– Pharbitin: Bao gồm Purolic acid và Pharbitic acid.
– Lysergol, Chanoclavine, Nilic acid, Gallic acid, Penniclavine, Isopenniclavine, Elymoclavine: Đây là các Glocosid chiếm 2% thành phần.
– Hạt cây còn chứa một hợp chất glucosid màu vàng nhạt tương tự chất muricatin A, cũng có khả năng tẩy mạnh.
Hạt Khiên ngưu tử
4. Tác dụng – Công dụng
– Một nghiên cứu thí nghiệm trên chuột nhắt trắng sử dụng nước chiết hoặc chiết cồn hoặc hạt bìm bìm đã cho thấy rằng cây này có tác dụng tẩy xổ. Tác dụng này đặc biệt xuất hiện do hoạt chất muricatin A trong hạt bìm bìm. Các thành phần khác cũng tham gia vào tác dụng này, tuy nhiên, dầu béo không phải là yếu tố quyết định. Hơn nữa, có dữ liệu chứng minh rằng cây bìm bìm có tính kháng khuẩn.
– Một nghiên cứu khác trên ruột thỏ cô lập và tử cung cô lập của chuột cống trắng đã xác minh rằng chất pharbitin được chiết xuất từ hạt bìm bìm có khả năng kích thích co bóp ruột. Tuy nhiên, trong các thí nghiệm gây mê trên chó và thỏ, không có tác động đáng kể đối với huyết áp, hô hấp và hoạt động của ruột khi sử dụng chất muricatin A ở liều thấp (5-10 mg/kg). Tuy nhiên, với liều cao (20-40 g/kg), chất này có thể tạm thời làm giảm huyết áp và làm giãn cơ trơn của ruột.
Công dụng của bìm bìm:
Theo GV Cao đẳng Dược Hà Nội: Ngoài làm cảnh thì ít người biết rằng bìm bìm còn được dùng làm thuốc trong dân gian.
*Theo đông y:
Dược liệu này có vị cay, tính nóng, hơi độc, quy vào kinh Thủ thái âm phế, túc thiếu âm thận và thủ dương minh đại tràng. Các tác dụng bao gồm giúp chữa bí tiểu, thông đại tiện và tiểu tiện, có tác dụng sát trùng, thông mật, và hỗ trợ trong việc trị giun. Khi kết hợp với một số loại thảo dược khác, nó có hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh.
Hoạt chất muricatin A trong Hạt bìm bìm có tác dụng gây tẩy xổ. Các thành phần khác cũng tham gia vào tác dụng này, nhưng không phải là dầu béo. Ngoài ra, có tài liệu chứng minh rằng bìm bìm có tính kháng khuẩn và tác động kháng viêm tốt. Do đó, nó có thể được sử dụng trong điều trị kết hợp với một số loại thảo dược khác hoặc dùng làm thuốc bôi ngoài da. Ngoài ra, bìm bìm còn có các công dụng khác như:
- Hỗ trợ giúp giảm chướng bụng do xơ gan, viêm thận mạn tính.
- Hỗ trợ giải độc, thông tiểu, nhuận tràng và hỗ trợ trị mụn nhọt, đầu đinh.
- Hỗ trợ chữa trị đái ra máu, trị đái rắt, đái buốt. và giúp thông tiểu tiện.
- Hỗ trị giúp thanh nhiệt, hỗ trợ quá trình tiểu tiện và giúp loại bỏ độc tố.
- Hỗ trợ cải thiện tình trạng da và giúp giảm sạm nám, làm dịu các vết thâm trên da mặt
- Hỗ trợ chữa trị phù do viêm thận.
- Hỗ trợ chữa trị ho do phế nhiệt và trị phù thũng.
5. Một số bài thuốc về cây bìm bìm
1. Chữa mụn nhọt đầu đinh:
Dùng Bìm bìm 15 – 30 g tươi, Đem sắc với nước uống:
Đồng thời dùng bìm bìm với lượng vừa đủ, giã nát đắp tại chỗ vết mụn nhằm giảm sưng viêm nhanh chóng.
2. Làm mờ các vết đốm nâu trên mặt:
Sử dụng hạt của cây bìm bìm có màu nâu đen, kết hợp cùng bạch cương tàm, tế tân.
Tất cả phơi khô và đem nghiền mịn, sau đó hòa với nước ấm để rửa mặt hằng ngày hoặc đắp lên các vết đốm để giảm thâm.
3. Chữa trị mụn trứng cá:
– Ngâm hạt bìm bìm với rượu trắng cao độ trong 3 ngày, sau đó đem phơi khô và nghiền mịn.
-Trộn với nước củ gừng và bôi lên nốt mụn.
4. Tác dụng Làm đẹp da:
Dùng Hạt Khiên ngưu tử 100g, trà tử 200g, bồ kết 200g
Tán bột mịn hòa một chút nước, sau đó xoa lên da 3-4 lần trong ngày để làm làn da đẹp
5. Chữa trị gãy xương kín:
Kết hợp dây bìm bìm, dây đau xương, dây tơ hồng, cây ráy leo tỉ lệ 1:1:1.
Giã nát rồi trộn với chút rượu và đắp bó vào nơi xương gãy để cố định. Thay bó 1 lần mỗi ngày.
6. Chữa trị đái rắt, đái buốt
Dùng Dây và lá bìm bìm 30g, mã đề 20g, râu ngô 20g, cam thảo dây 10g, rễ cỏ tranh 10g
Đem sắc uống 1 ngày 1 lần. Hoặc lá bìm bìm 30g, râu ngô và lá mã đề mỗi vị 20g.
Uống nước cây Bìm bìm có thể chữa được nhiều bệnh hiệu quả
7. Chữa trị phù nề sau sinh:
Sử dụng lá bìm bìm, bèo cái, lá dâu tằm, lá ích mẫu, lá sen, và đậu đen.
Rửa sạch và hòa nước, sau đó uống trong nhiều lần trong ngày từ nửa tháng trở lên.
8. Chữa trị táo bón:
Dùng lá bìm bìm khô.
Lấy 1 nắm đem hãm như hãm trà và uống hằng ngày.
9. Chữa trị viêm phế quản:
Dây và lá bìm bìm tươi 30g, 20g lá dâu và cam thảo dây 10g.
Sắc uống 1 thang/ngày, chia 2 – 3 lần/ ngày. uống 5 – 7 ngày liền.
Tác dụng của cây bìm bìm hỗ trợ ho , viêm phế quản
10. Chữa trị tiểu ra máu:
Dây, lá bìm bìm và hạt dành dành mỗi vị 30g, cam thảo dây 10g.
Sắc uống ngày/thang, chia ra uống 2 – 3 lần/ ngày.
11. Hỗ trợ chữa viêm thận mạn tính và Trướng bụng do xơ gan:
Khiên ngưu tử 80g, Hồi hương 40g. Tất cả nghiền mịn, trộn đều.
Mỗi ngày uống mỗi 1 lần 8g/lần, uống khi bụng đói, chiêu thuốc bằng nước sôi, uống liền trong 2 – 3 ngày.
12. Chữa trị giun đũa:
Dùng 20g Khiên ngưu tử (sao), 4g Tân lang (hạt Quả cau), và 25g Sử quân tử (Quả giun).
Đem nghiền mịn, trộn đều, uống 6g/lần, trẻ nhỏ giảm bớt liều.
6. Những điều cần lưu ý khi dùng Bìm bìm
Trong quá trình sử dụng dược liệu này để chữa trị, cần lưu ý tuân thủ một số điều sau đây:
– Không dùng khiên ngưu tử cho phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, người mệt yếu.
– Khiên ngưu tử tương kị với ba đậu, không nên dùng đồng thời
– Thận trọng khi dùng vì vị thuốc khiên ngưu tử có chứa độc tính nhẹ.
– Cây Bìm bìm có thể tương tác với một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng, nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi bắt đầu sử dụng.
Cây Bìm bìm có hoa đẹp nên thường được dùng làm cảnh, phù hợp để trồng ở cổng hoặc mái hiên của mọi gia đình. Bìm bìm còn có nhiều công dụng không ngờ trong việc điều trị bệnh, không chỉ có tác dụng đối với sức khỏe mà còn ứng dụng để xóa tàn nhang, nám và làm đẹp da, chữa một số bệnh ngoài da …
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người dùng nên hỏi ý kiến từ bác sĩ và thầy thuốc trước khi sử dụng nhé./
Theo Tin tức tổng hợp từ DSCK1 Nguyễn Quốc Trung – GV Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913