Phù kết mạc mắt là một tình trạng phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các vấn đề bệnh lý. Hiểu rõ về tình trạng kết mạc mắt sưng phù sẽ giúp bạn có những biện pháp xử lý và phòng ngừa hiệu quả.

Thông tin về kết mạc mắt
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, kết mạc là một lớp màng nhầy, mỏng và trong suốt, bao phủ bề mặt mắt, kéo dài từ rìa giác mạc đến bờ tự do của mặt sau mí mắt và gấp lại tại cùng đồ (canthus).
Cấu tạo:
Kết mạc được cấu thành từ lớp biểu mô liên kết với nhu mô qua lớp màng đáy.
- Phần đáy của kết mạc là lớp biểu mô lát tầng, bao gồm từ 2 đến 5 hàng tế bào không sừng hóa.
- Phần nhu mô của kết mạc chứa các tế bào lympho, dưỡng bào, đại thực bào, cùng với hệ thống mạch máu, bạch huyết dày đặc và các tuyến nhầy đơn bào cùng các cấu trúc tuyến khác.
Về đại thể, kết mạc mắt được chia thành ba phần: kết mạc mí, kết mạc cùng đồ và kết mạc nhãn cầu.
Chức năng:
Kết mạc thực hiện các chức năng chính như:
- Bảo vệ bề mặt của mắt.
- Phần nếp gấp ở cùng đồ và bán nguyệt giúp nhãn cầu di chuyển dễ dàng.
- Mí mắt liên kết lỏng lẻo với các mô xung quanh, có nếp gấp giúp di chuyển dễ dàng khi mở và đóng mà không gây kích ứng hay ma sát.
- Các tuyến nhờn và tuyến khác trong kết mạc giúp duy trì độ ẩm và sự trơn láng cho mắt.
- Thành phần lysozyme trong nước mắt và cấu trúc hạnh nhân tạo ra hàng rào bảo vệ mắt khỏi tác nhân gây hại.
Nguyên nhân gây ra tình trạng phù kết mạc mắt
Nguyên nhân gây phù kết mạc mắt rất đa dạng, bao gồm:
- Kích ứng của kết mạc mắt do các tác nhân như phấn hoa, bụi, khói, nấm mốc, lông thú cưng, thuốc, mỹ phẩm, hoặc chấn thương mạnh gây ảnh hưởng đến kết mạc, dẫn đến tình trạng sưng phù. Những trường hợp này thường không lây nhiễm và ít có biến chứng. Nếu được xử lý đúng cách, tình trạng phù kết mạc mắt sẽ giảm dần và khỏi hẳn.
- Viêm mắt do nhiễm các loại vi khuẩn như Staphylococcus Aureus, Streptococcus Pneumoniae, Haemophilus Influenzae, Moraxella Catarrhalis, Chlamydia Trachomatis và Neisseria Gonorrhoeae. Các vi khuẩn này có thể xâm nhập vào đường hô hấp, khiến bệnh nhân có thể bị viêm kết mạc mắt đồng thời với viêm đường hô hấp.
- Nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm và sưng phù kết mạc. Các virus như Adenovirus, Herpes và Enterovirus có thể lây sang người khác qua tiếp xúc với dịch mắt hoặc các vật dụng chứa virus, và dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt khi virus phát triển mạnh.

Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cũng cho biết thêm, tùy vào nguyên nhân, tình trạng phù kết mạc mắt có thể kèm theo các triệu chứng như đau, rát, đỏ mắt, chảy nhiều ghèn, nước mắt, ngứa. Đặc biệt, trong trường hợp nhiễm khuẩn, kết mạc mắt có thể chảy mủ có màu vàng, trắng hoặc xanh lá.
Xử lý và phòng ngừa bệnh phù kết mạc mắt
Khi phát hiện mắt có dấu hiệu sưng phù bất thường, bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân và có phương án điều trị phù hợp.
Biện pháp xử lý:
Nếu phù kết mạc do dị ứng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống dị ứng kết hợp với việc rửa mắt bằng nước mắt nhân tạo để giảm cảm giác khó chịu và loại bỏ tác nhân gây kích ứng.
Trong trường hợp kết mạc mắt sưng phù do viêm nhiễm virus, tình trạng này có thể tự khỏi sau 7-10 ngày mà không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nhẹ triệu chứng khó chịu bằng cách chườm mát, rửa mắt bằng nước muối sinh lý, và nhỏ mắt bằng nước mắt nhân tạo. Đồng thời, nên cách ly để tránh lây lan virus cho người khác.
Nếu nguyên nhân là nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh nhỏ mắt để điều trị.
Cách phòng tránh:
- Dùng riêng các vật dụng cá nhân như khăn mặt.
- Rửa tay thường xuyên với nước rửa tay có tác dụng sát khuẩn.
- Che mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Tránh khạc nhổ bừa bãi.
- Không tiếp xúc với người có dấu hiệu đỏ mắt.
- Mang kính để bảo vệ mắt.
- Vệ sinh mắt bằng dung dịch nhỏ mắt hoặc nước muối sinh lý.
- Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt.
- Kiểm tra mắt định kỳ mỗi 6 tháng.
Mặc dù sưng kết mạc mắt thường không đe dọa tính mạng, nhưng có thể ảnh hưởng đến thị lực và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu bất thường, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời. Tránh tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc áp dụng phương pháp dân gian như đắp lá trầu hay tắm lá dâu, vì điều này có thể gây nhiễm trùng và hậu quả khó lường.
Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh
Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295
Cơ sở Bình Tân: Số 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh ( Ngay vòng xoay An Lạc, Ngã 3 Trần Đại Nghĩa với Quốc Lộ 1 A). Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913